Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Trịnh Khả (1403-1451)

Là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam.

Là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam.

Tiểu sử

Trịnh Khả có tổ tiên làm quan nhà Trần, đánh giặc Nguyên có công. Cha ông là Trịnh Quyện làm chức chánh tổng, sinh được 4 người con trai, Trịnh Khả là con út.

Thù giặc giết cha

Tương truyền khi Trịnh Khả lớn lên là lúc nước Đại Việt bị nhà Minh đô hộ. Một hôm Trịnh Khả đi chăn trâu ngồi nghỉ ở cổng chùa trên núi, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô (Thanh Hoá) đi tới, trông thấy Trịnh Khả thì ưa, bèn dẫn về nuôi làm nô tỳ. Ít lâu sau, viên tướng này xem tướng Trịnh Khả, cho rằng ông sẽ làm tướng quân để đánh người Minh nên muốn giết ông.

Trịnh Khả sợ hãi bỏ trốn, qua sông Mã, ẩn náu ỏ nhà bà cô thuộc xã Diên Phúc. Quân Minh đuổi theo không kịp, bèn bắt giam cha ông là Trịnh Quyện để buộc ông phải đến, nhưng Trịnh Khả cũng không chịu đến. Quân Minh bèn giết Trịnh Quyện bỏ xác xuống sông. Trịnh Khả biết tin nhân đêm lẻn về vớt xác cha lên chôn cất. Căm thù quân Minh, ông tìm đến Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa.

Nhiệm vụ đặc biệt

Năm 1416, Trịnh Khả trong số 17 người cùng Lê Lợi tham gia “Hội thề Lũng Nhai”, ước hẹn cùng nhau chung sức đánh quân Minh cứu nước.

Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Trịnh Khả luôn mang gươm theo hầu Lê Lợi, sau đó được thăng làm thứ thủ đội thiết đột.

Năm 1418, quân Minh truy kích Lê Lợi không được, sai người đào mộ Lê Khoáng là cha của Lê Lợi, lấy hài cốt mang về. Lê Lợi sai ông và Bùi Bị đi lấy lại. Ông cùng Bùi Bị đội cỏ, lẻn bơi đến thuyền quân Minh, lấy trộm lại được hài cốt Lê Khoáng mang về cho chủ tướng.

Trịnh Khả biết tiếng Ai Lao, được Lê Lợi sai mang thư sang nhờ vua Ai Lao (Lào) giúp quân, lương, khí giới và voi chiến. Vua Ai Lao nhận lời, do đó quân Lam Sơn có thêm lực lượng cự địch.

Trịnh Khả dũng cảm thường đi xung phong trong các mặt trận ở Thanh Hoá, Diễn Châu, Nghệ An và lập được nhiều công.

Đánh đuổi người Minh

Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Ông cùng Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan (Hà Nội).Tiến theo đường tắt đến gần Đông Quan, cánh quân của Trịnh Khả gặp tham tướng quân Minh là Trần Trí. Trí thấy quân Lam Sơn ít nên mang hết quân ra đánh. Ông cùng Phạm Văn Xảo, Lê Triện, Đỗ Bí hợp sức đánh bại được Trí ở Chương Đức, tiến lên đắp luỹ ở phía tây Ninh Giang. Trần Trí bại trận liền cầu viện Lý An, Phương Chính ở Nghệ An. An và Chính dem quân vượt biển ra bắc tiếp viện cho Đông Quan.

Nghe tin viện binh nhà Minh từ Vân Nam do Vương An Lão chỉ huy sắp tiến sang theo đường Hưng Hoá, ông cùng các tướng chia quân làm hai cánh: ông cùng Phạm Văn Xảo tiến lên Tây bắc đánh chặn Vương An Lão, còn Lê Triện đóng đồn phía tây Ninh Giang uy hiếp Đông Quan. Trịnh Khả và Phạm Văn Xảo sợ viện binh địch hợp lại với nhau, bèn đi gấp lên đón đánh ở cầu Xa Lộc, đánh bại viện binh Vân Nam của Vương An Lão, chém và bắt hàng ngàn người. Quân Minh thua trận bỏ chạy vào thành Tam Giang.

Ít lâu sau tướng Minh là Vương Thông mang 5 vạn quân sang cứu viện cũng bị Lê Triện, Đinh Lễ và Nguyễn Xí phá tan. Từ đó thanh thế của các tướng Lam Sơn bắc tiến rất lừng lẫy. Lê Lợi mang đại quân ra bắc, sai Trịnh Khả đánh thành Tam Giang và phong làm thiếu uý.

Đầu năm 1427, Lê Lợi đóng dinh ở Bồ Đề, sai ông vây cửa đông thành Đông Quan.Cuối năm 1427, viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh tiến sang. Ông cùng Phạm Văn Xảo mang quân chống giữ ở ải Lê Hoa, nhận lệnh không giao chiến với viên tướng lão luyện Mộc Thạnh. Không lâu sau Liễu Thăng tử trận, Thạnh nghe tin bỏ chạy. Ông cùng Phạm Văn Xảo đuổi theo chém hơn 1 vạn quân Minh, bắt sống 1000 người. Sau đó Vương Thông bị vây trong thành Đông Quan phải xin giảng hoà rút về nước.

Khai quốc công thần

Năm 1428, Trịnh Khả được phong làm Kim tử vinh lộc đại phu tả lân hổ Vệ tướng quân, được ban túi kim ngư, ngân phù.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, ông được phong là liệt hầu, coi giữ trong cung điện và giữ chức đô thái giám 4 đạo, coi quản mọi việc trong ngoài, kiêm án phủ sứ ơ Tuyên Quang. Sau đó ông được gia phong chức hành quân tổng quản xa kỵ quân sự đồng tổng quản, lĩnh các đội thiết đột.

Năm đó quốc vương Ai Lao là Côn Cô mới lên ngôi, có bầy tôi là Kha Lại làm phản. Côn Cô dâng voi cầu viện. Lê Thái Tổ sai Trịnh Khả mang quân sang giúp, diệt được Kha Lại.

Năm 1433, ông được thăng làm Bảo chính công thần gia Kim tử vinh lộc đại phu Lương Giang trấn, quán quân tướng quân, nhập nội thiếu bảo thm tri quân sự các vệ thuộc đạo Hải Tây và chức thái giám coi các việc trong ngoài, trụ quốc, ban kim ngân phù.

Trong vòng xoáy quyền lực

Năm 1434, thời Lê Thái Tông, quyền thần Lê Sát lộng hành, ông cho rằng danh vị đã đủ nên xin về hưu. Vua cho ông ra làm quan tuyên uý đại sứ trấn Lạng Sơn, coi việc quân dân, lại làm tổng quản vệ Nam Sách hạ.

Năm 1437, Lê Thái Tông bãi chức tư đồ Lê Sát, gọi ông về làm chức tổng quản hành quân, coi việc quân vệ xa kỵ thuộc Tây đạo, quản ĩnh quân thiết đột thánh dực hậu đội, chức thái giám 6 quân ngự tiền; coi việc các đội thiết đột trung quân. Sau đó ông lại được phong thêm chức thiếu bảo, tham tri chính sự, rồi chức thiếu uý.Vua Thái Tông có nhiều vợ, các bà vợ gièm pha công kích lẫn nhau để tranh ngôi thái tử cho con. Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao bị giam ở vườn hoa. Trịnh Khả cứu thoát bà Ngọc Dao ra ngoài, sau bà được Nguyễn Trãi đem nuôi giấu và sinh ra hoàng tử Tư Thành (tức Lê Thánh Tông sau này)

Năm 1442, vua Thái Tông đi tuần phía đông về Côn Sơn, mắc bệnh nguy kịch, ông theo hầu hạ. Thái Tông mất, ông rước quan tài về kinh, lập thái tử Bang Cơ lên ngôi, tức là Lê Nhân Tông.

Năm 1443, Nhân Tông còn nhỏ, thái hậu Nguyễn thị coi chính sự, ông được phong làm Nhập nội suy trung Tá lý Dương Vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ Tây đạo, quận thượng hầu.Vua Chiêm Thành là Bí Cai hai lần mang quân vây Hoá châu.

Năm 1446, triều đình sai ông làm tiên phong đi đánh, các tướng Lê Thụ, Lê Khắc Phục đi sau. Trịnh Khả phá được thành Thi Nại, dụ được cháu Bí Cai là Tả Quy Lai đến ăn thề, sai Tả Quy Lai dụ Bí Cai ra hàng. Sau đó lại lập Tả Quý Lai làm vua. Trở về, ông được phong làm Suy trung tán trị dương vũ tĩnh nạn công thần, Thái Nguyên trấn phiêu kỵ thượng tướng quân, đặc tiến làm khai phủ nghi đồng tam ty, nhập nội thiếu uý, kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, thượng trụ quốc, ban kim phù, Quốc thượng hầu.

Trịnh Khả cùng Lê Thụ là bậc thái tể đứng đầu triều đình. Ông luôn là người thẳng thắn, giữ phép công và chức phận, lấy việc sửa lỗi cho vua nhỏ làm trách nhiệm. Trịnh Khả dùng pháp luật rất nghiêm khắc, đã xử án thì không thể xin nới tay.

Tháng 7 năm 1451, có người gièm pha rằng cha con Trịnh Khả kết đảng mưu phản. Thái hậu Nguyễn Thị Anh sai bắt giết ông cùng con là Trịnh Bá Quát. Mọi người đều cho rằng ông bị oan.

Năm 1453, Nhân Tông khôn lớn, ra coi việc triều chính, khôi phục lại quan tước và ban cho con cháu ông 100 mẫu ruộng.

Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông làm thiếu phó Liệt quốc công, sau lại truy tặng làm Hiển Khánh vương, cho thờ ông ở miếu trong làng. Do ông có công cứu thoát mẹ của Thánh Tông khi còn là tiệp dư của Thái Tông nên con cháu ông được biệt đãi hơn các bề tôi khác.

Các conTrịnh Khả có 22 người con: 13 trai, 9 gái. Trong 13 người con trai, 10 người có tước vị.Con trưởng là Trịnh Bá Quát là đô chỉ huy sứ, bị hại cùng ông. Trịnh Công Lộ tước Đoan Vũ hầu Trịnh Công Đán làm Định Công hầu Trịnh Công Tá làm Đô chỉ huy sứ, Thuần Mỹ hầu Trịnh Công Khản làm Tả đô đốc, Đoan quận công Trịnh Công Phú làm Tùng Lĩnh hầu Trịnh Công Ngô làm thượng thư bộ Hộ, Dương Đường hầu Trịnh Quý Địch làm Diên Phúc bá Trịnh Công Diễn làm thái bảo, Bảo quốc công Trịnh Công Hữu làm thái phó, Thọ quận công

Không có nhận xét nào: