Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Phan Huy Chú

Một tấm gương sáng, một tài năng kiệt xuất

ND - Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú được ghi nhận là bộ Bách khoa thư đầu tiên và có giá trị nhất về lịch sử và văn hóa Việt Nam thời phong kiến. Công trình trên đã tôn vinh Phan Huy Chú lên vị trí nhà bác học lớn của Việt Nam.

Về thăm phần mộ

Trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, mãi đến năm 2006, phần mộ Phan Huy Chú mới được xác minh. Vào một ngày xuân nắng ấm năm Bính Tuất, các chi phái của dòng họ Phan Huy ở một số nơi đã cùng GS Phan Huy Lê về thôn Mai Trai họp mặt, làm lễ dâng hương tưởng niệm nhà bác học ngay tại phần mộ của ông - Nghĩa trang thôn Mai Trai, Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây.

Ngôi mộ được các hậu duệ của Phan Huy Chú ở Vạn Thắng xây lại từ năm 1994. Trên mộ có ghi chữ quốc ngữ: Mộ tổ họ Phan, phía dưới có ghi ngày: "Kỵ 22-1" và ghi rõ thời gian xây lại: 20-12-1994. Tại hội thảo khoa học Bảo tồn phần mộ danh nhân Phan Huy Chú, tháng 7 năm 2006 do Hội Khoa học lịch sử, Viện Lịch sử, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì tổ chức, nhiều bản tham luận đã được đọc trong hội nghị.

GS. Phan Huy Lê đã đưa ra kết luận và khẳng định: "Phan Huy Chú là vị tổ của chi họ Phan ở Thanh Mai, Hà Tây và Ðại Mỗ, Hà Nội, ngôi mộ tổ họ Phan được bảo tồn ở Thanh Mai, nay là thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây là mộ Phan Huy Chú".

Việc xác định phần mộ Phan Huy Chú được đánh giá không chỉ là thành công của dòng họ Phan Huy, của quê hương xứ Ðoài, mà còn là sự kiện văn hóa của đất nước. Sau cuộc hội thảo, các cấp chính quyền của tỉnh Hà Tây từ xã đến tỉnh và Hội Khoa học lịch sử, Viện Lịch sử, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây đã cùng dòng họ Phan Huy đang có những nỗ lực phối hợp để dành khu đất xây dựng mộ Phan Huy Chú. Dự kiến khu đất sẽ ở Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Tây, nằm giữa núi Tản và sông Ðà trên quê hương xứ Ðoài, nơi đã sinh ra nhà bác học.

Cuộc đời và sự nghiệp

Phan Huy Chú, tự là Lâm Khanh, hiệu là Mai Phong, lúc thiếu thời có tên là Hạo, sau để tránh trùng tên húy của vua Minh Mệnh nên đổi tên là Phan Huy Chú.

Ông sinh năm Nhâm Dần 1782 tại làng Thụy Khuê (còn gọi làng Thầy) huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình không giàu về của cải nhưng có truyền thống về văn hóa và khoa bảng. Ông nội là tiến sĩ Phan Huy Cận, làm quan cấp cao của triều đại Lê - Trịnh, thân phụ là tiến sĩ Phan Huy Ích, giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời Tây Sơn như Tả thị lang bộ hộ, thị lang bộ binh...

Thân mẫu là bà Ngô Thị Thục, em gái tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, người được vua Quang Trung giao cho nhiều trọng trách như cùng với Phan Huy Ích lo việc bang giao với nhà Thanh. Anh trai là Phan Huy Thực, làm quan tới chức thượng thư, đã từng được vua Minh Mệnh ban dụ: "Quốc gia điển lễ tắc phi Phan Huy Thực bất khả" (Ðiền lễ quốc gia không có Phan Huy Thực thì không được). Vợ ông là bà Nguyễn Thị Vũ, con gái của danh y, tiến sĩ Nguyễn Thế Lịch, thượng thư bộ lại triều Tây Sơn. Như vậy cả gia đình bên nội và bên ngoại của Phan Huy Chú đều có truyền thống văn học và khoa bảng, với hai dòng họ nổi tiếng ở nước ta là Phan Huy và Ngô Thì, có nhiều người đóng góp cho đất nước. Phan Huy Ích rất tự hào về truyền thống khoa bảng của gia đình mình, nên trong bài phú mừng khi sinh con trai Phan Huy Thực, đã có câu :

Văn phái dư lan cụ cửu nguyên

(Dòng văn để lại đủ cả cửu nguyên)

Với lời chú dẫn : Phụ thân tôi (Phan Huy Cận) thi hương, thi hội hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Bố vợ tôi (Ngô Thì Sĩ) thi hội, thi đình hai lần đỗ đầu (lưỡng nguyên). Tôi thi hương, thi hội, thi ứng chế, ba lần đều đỗ đầu (tam nguyên). Bác Hy Doãn (Ngô Thì Nhậm) và chú Nhã Hiên (Phan Huy Ôn, em trai thứ ba) đỗ thi hương. Tất cả cộng lại là chín lần đỗ đầu, gọi là cửu nguyên.

Trong các con của Phan Huy Ích, thì ông đặt nhiều hy vọng vào Phan Huy Chú và đã có bài thơ về Phan Huy Chú khi mới được hai tuổi :

Mi nhan thanh phẩm dĩ đồng linh

Phúc căn chung bẩm thành ngô bảo

Thư mạch tư bồi thuộc ninh hinh

(Nét đẹp mày thanh khác trẻ thường

Phúc ấm đúc nên hòn ngọc báu

Giống dòng bồi mãi nếp thư hương)

Ðược sự giáo dục của gia đình cùng với sự thông minh và những pho sách đồ sộ của hai dòng văn phái lớn Phan Huy và Ngô Thì, nên ngay từ nhỏ ông say mê đọc sách, sớm nổi tiếng hay chữ và có chí trước thuật. Cùng với Ngô Thế Mỹ ở La Khê, Hà Ðông, ông được coi là người hay chữ nhất vùng. Mặc dù đọc nhiều sách và nổi tiếng như vậy, sau hai lần đi thi ông chỉ đỗ tú tài, vì thế người dân trong vùng thường gọi ông là Kép

Thầy - người ở làng Thầy, hai lần đỗ tú tài.

Sau khi đỗ tú tài lần thứ nhất, ông làm ngôi nhà nhỏ ở chùa Bối Am (chùa Một Mái) trên núi Thầy và ở đó từ năm 27 tuổi đến năm 37 tuổi (1809 - 1819). Trong suốt mười năm "đóng cửa tạ khách" ông dành cả tâm trí, tài năng viết "Lịch triều hiến chương loại chí".

Trong bài tựa của bộ sách này, ông viết: "Từ khi vào núi đến giờ mới đóng cửa tạ khách, cố sức tìm nhặt, sau khi đọc sách, được nhàn rỗi thì lại tùy từng loại khảo xét và đính chính, có khi nghĩ được ra điều gì thì làm ra lời bàn. Ngày tháng góp lại, đến nay đã trải mười năm, biên chép xong, cộng có mười chí : dư địa, nhân vật, quan chức, lễ nghi, khoa mục, quốc dụng, hình luật, binh chế, văn tịch, bang giao. Chí nào cũng có lời nói đầu để kê rõ đại ý. Mỗi chí lại được chia ra tiết, mục, chép riêng từng tập, nối liền với nhau gọi là Lịch triều hiến chương loại chí, cộng bốn mươi chính quyền. Ðây là bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển cao về học thuật ở nước ta đầu thế kỷ 19. Chính công trình này đã tôn vinh Phan Huy Chú lên nhà bác học lớn của Việt Nam. Không những thế, tiếng vang bộ sách còn vượt ra ngoài biên giới. Một nhà Việt Nam học người Nga đã viết: Lịch triều hiến chương loại chí là bộ sách xứng đáng được gọi là bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống Việt Nam. Công trình này thực tế không có công trình nào sánh nổi về bề rộng phạm vi các vấn đề trong lịch sử sử học Việt Nam thời phong kiến. Năm 1820 tài năng của Phan Huy Chú được vua Minh Mệnh biết đến, và đã triệu ông cùng với một số sĩ phu Bắc Hà vào kinh đô Huế. Tại đây, ông được bổ làm Hàn lâm Viện biên tu. Năm 1821, ông dâng bộ Lịch triều hiến chương loại chí lên vua Minh Mệnh, được vua ban thưởng 30 lạng bạc, một chiếc áo sa, 30 cái bút, 30 thoi mực. Sau đó ông được thăng chức Lang trung bộ lại.

Ngoài công trình nổi tiếng Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển sách viết tay, được coi là nhà bác học, ông còn là một nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu... với các công trình: Hoàng Việt địa dư chí, Ðiều trần tứ sự tấu sớ, Bình định quy trang, Hải trình chí lược, Lịch đại điển yếu thông luận, Mai phong du tây thành dã lục và hơn bốn trăm bài thơ trong hai tác phẩm : Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm.

Phan Huy Chú là một tấm gương sáng về tinh thần bền bỉ học tập, nghiên cứu, là một trí tuệ, một tài năng kiệt xuất, đã cống hiến cho lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam sự nghiệp tri thức của ông - một công trình đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí. Ông xứng đáng được xếp vào số không nhiều các nhà khoa học lớn của nước ta thời trước. Tên tuổi và sự nghiệp của Phan Huy Chú sẽ sống mãi với lịch sử văn hóa Việt Nam.

Ðể tưởng nhớ đến công lao đóng góp to lớn của Phan Huy Chú đối với đất nước, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có những đường phố và trường học mang tên ông. Từ trước năm 1975, bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí đã được xuất bản nhiều lần trong nước. Năm 2001, nhà thờ Phan Huy Chú tại làng Thụy Khuê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây, đã được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Năm nay, nhân 225 năm ngày sinh của ông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dành kinh phí để tu bổ nhà thờ mang tên ông và tiếp theo các cuộc hội thảo về Phan Huy Chú trước đây, cuộc hội thảo khoa học quốc gia về thân thế và sự nghiệp của ông cũng sẽ được tổ chức trên quê hương xứ Ðoài.

TS PHAN HUY DỤC (Ðại học Quốc gia Hà Nội)

Không có nhận xét nào: