Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Nguyễn Bỉnh Khiêm 1

Nguyễn Nghiệp
Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

I
Sinh chẳng gặp thuở Đường Ngu
Cái tin vua Lê Tương Dực bị tướng Trịnh Duy Sản giết chết đã được loan truyền đi nhanh chóng khắp các phường phố kinh kỳ. Bởi vì đó nào phải là việc bí mật gì trong cung cấm. Nó đã xảy ra một cách công khai, đang lúc ban ngày ban mặt, ngay giữa đường phố, có thể nói là hả hê của thiên hạ.
Hơn thế nữa, đối với người thạo tin tức -mà ở cái đất kinh kỳ này thời nào chả có loại người như vậy - thì điều này hầu như người ta đã chờ đợi từ mấy hôm nay như là một câu chuyện thế tất sẽ xảy ra, chỉ ngày một ngày hai.
Trịnh Duy Sản là ai? Có thể nói đấy là một tướng mạnh, một cánh tay đắc lực của nhà vua trong việc đàn áp các cuộc "nổi loạn" đang dấy lên liên tiếp khắp nơi từ Nghệ An, Thanh Hóa đến Kinh Bắc, Hải Dương, đặc biệt là vụ "phản nghịch" của Trần Tuân ở Sơn Tây hồi tháng 11 năm Tân Mùi, Hồng Thuận thứ 3 (1511). Hồi ấy thế "giặc" rất mạnh. Chúng đã tiến sát
kinh thành. Nhiều cánh quân lớn do nhà vua phái đi ứng chiến liên tiếp bị đánh bại. Dân chúng hoảng loạn. Nhà vua đã phải chuẩn bị thuyền bè để chạy vào Thanh Hóa. ấy thế mà Trịnh Duy Sản, lúc ấy chỉ còn lại trong tay vỏn vẹn hơn ba chục thủ hạ, đã xé áo làm hiệu, thề đánh đến cùng, đang khi xuất kỳ bất ý, xông thẳng vào trại địch, đâm chết tươi tướng giặc Trần Tuân, làm cho quân địch như rắn mất đầu, bị quan quân triều đình quay lại dồn đ uổi tan tác. Nhờ có chiến công xuất sắc này,
ô ng ta được nhà vua phong đến tước Nguyên
quận công, thế lực không phải là nhỏ.
Nhưng mặt khác, cũng chính trong những cuộc đánh dẹp vất vả liên miên này, ông ta đã thấy rõ nguy cơ sụp đổ ngai vàng treo ngay trước mắt, nếu nhà vua không mau mau tỉnh ngộ, bỏ bớt thói xa xỉ ăn chơi, đặc biệt là trong việc xây dựng đại điện và đài cửu trùng hết sức tốn kém, giữa lúc muôn dân đang rên xiết trong cảnh đói nghèo cùng cực. Oán hận đã chất cao như núi. Mà một khi ngai vàng sụp đổ thì bao nhiêu công lao đánh dẹp sẽ trở thành công cốc, hơn thế nữa sẽ trở thành lưỡi dao kề cổ ngay chính ông ta.
Vì vậy ông ta đã hết sức can ngăn nhà vua. Tiếc thay bao nhiêu lời nói thống thiết đều bị Lê Tương Dực bỏ ngoài tai, không những thế còn đem lòng oán giận, tìm cách làm nhục ông ta. Có lần nhà vua đã sai lính nọc ông ta ra mà đánh trượng như đối với một kẻ tội phạm tầm thường. Tránh sao Trịnh Duy Sản khỏi ngầm nuôi ý khác.
Thế rồi gần đây người ta bỗng thấy ông tướng này lui tới dinh thái sư Lê Quảng Độ. Cả đất kinh đô này còn ai lạ gì tâm địa phản trắc như trở bàn tay của vị quan đầu triều này nữa. Trước đây, tuân theo di chiếu của vua Trúc Tông(1) ông ta đã tôn phò Lê Uy Mục và được ông vua này khá tin dùng. Nhưng đến khi kinh thành bị quân của Giản Tu Công Lê Oanh (sau này trở thành vua Lê Tương Dực) vây khốn thì ông ta đã không ngần ngại quay mũi giáo làm nội ứng cho quân bên ngoài để hại Lê Uy Mục. Tất nhiên là ông ta được chủ mới hết sức trọng đãi. Từ chức Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc, tước Bình Sơn hầu, ông ta đã được gia phong tước Thiệu Quốc công, rồi chẳng bao lâu lại nhảy lên đến chức Bình chương quân quốc trọng sự thái tể thái sư, một chức vụ tối cao nắm giữ tất cả quyền chính trong nước mà từ thời Lê Thánh Tông đã bãi bỏ.
Mặc dầu được hưởng nhiều ân sủng đặc biệt như vậy, ông thái sư Lê Quảng Độ vẫn còn đủ sáng suốt, tỉnh táo để nhận ra rằng vua Lê Tương Dực, từ khi tạm được yên vị, đã ngày càng lao sâu vào vết bánh xe đổ của Lê Uy Mục và vì thế sớm muộn rồi cũng sẽ chịu
(1) Nối ngôi Lê Hiến Tông, làm vua từ tháng 6 năm Giáp Tý (1504) đến tháng 12 năm ấy thì mất, truyền ngôi cho anh là Lê Uy Mục.
chung vận mệnh với ông vua xấu số này. Vả lại gần đây ông lại thường nghe bọn tướng số lưu truyền một nhận xét rất đáng chú ý. Họ nói: Nhà vua có khuôn mặt đẹp ra dáng một gã phong lưu công tử hơn là một vị đế vương. Lại phải cái dáng đi hơi lệch, khó mà ở ngôi được lâu! Vậy thì còn phải cân nhắc gì nữa. Nếu mà không sớm tìm kế thay thầy đổi chủ một lần nữa thì rồi đây số phận của mình sẽ ra sao? Dưới con mắt tinh đời của ông, Trịnh Duy Sản quả là một cánh tay vàng trong âm mưu phế lập đã định sẵn.
Thời cơ đã đến, thuận tiện đến mức không thể còn mong ước gì hơn được nữa. Cứ như có bàn tay Trời sắp đặt cho vậy! Hầu hết những đoàn quân tinh nhuệ lúc này đã được dồn cả sang bên kia sông Cái để chặn đường quân "giặc" Trần Cao đang từ Hải Dương tiến thẳng vào kinh thành, thế mạnh như nước vỡ bờ. Nguyễn Hoằng Dụ, vị tướng đáng gờm nhất của ông và của Trịnh Duy Sản cũng đã dời cả hành dinh sang bến Bồ Đề. Kinh thành hầu như bỏ ngỏ. Thế là hai người quyết định khởi sự.
Thuyền bè, khí giới được gấp rút sửa soạn. Trên dưới 3000 quân còn lại của các vệ Kim Ngô và Hộ Vệ được điều về đóng chật cả vùng bến Thái Cực(1), nói phao lên là để sẵn sàng ứng viện cho đại quân đánh Trần Cao. Nhưng vào khoảng canh hai đêm mồng 6 tháng 4 bất thình lình cánh quân ấy đột nhập vào thành qua cửa Bắc Thần.
Nhà vua vẫn chẳng hay biết gì cả, còn đương túy lúy với bữa tiệc rượu kéo dài suốt từ chiều đến giờ, giữa đám cung tần mỹ nữ. Bỗng gã thừa chỉ Nguyễn Vũ hớt hơ hớt hải từ đâu chạy xộc tới, mặt tái mét tưởng chừng như cắt không còn giọt máu:
- Tâu bệ hạ, dễ chừng có biến. Một cánh quân lạ đã lọt vào thành.
- Quân nào?
- ...
Lâu nay hầu như suốt ngày đêm gã thừa chỉ này vẫn ăn dầm nằm dề trong nội điện để uống rượu và đánh bạc. Y vốn là một tên văn dốt vũ dát vô tích sự không hơn không kém. Nhưng sẵn đầu óc phiêu lưu, thừa dịp Giản Tu Công Lê Oanh ở Thanh Hóa đang chiêu binh mãi mã để làm thanh thế áp đảo vua Lê Uy Mục thì y tìm đến ứng nghĩa ngay. Vì vậy mà khi vị hoàng thân này trở thành vua Lê Tương Dực thì y nghiễm nhiên được đứng vào hàng công thần số một. Con đường danh vọng bẩn thỉu đã mở rộng trước mắt y. Khoa thi Hội Giáp Tuất (1514), mặc dầu đã bị loại vì văn thể lủng củng, y vẫn được nhà vua ban đặc ân cho thi lại để lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Rồi chỉ vài năm sau y nhảy lên chức Hình bộ
thượng thư kiêm Bảo thiên điện Đông các đại học sĩ, Hàn lâm viện thừa chỉ nhập thị kinh diên, được phép ra vào tự do nơi nội điện. Mọi người đều khinh ghét y, y cũng biết rõ điều đó. Cho nên số phận của y trong lúc nguy cấp này không thể tách rời số phận của nhà vua. Và nhà vua cũng tự biết còn có một gã vô lại ấy là có thể tin cậy được.
Thế là suốt đêm hai thầy trò dắt díu nhau lẩn trốn như chuột, cho mãi đến tờ mờ sáng hôm sau mới dám mò ra cửa Bảo Chánh. Nhưng vừa đi tắt qua cửa nhà Thái Học, đến hồ Chu Tước thì họ đụng ngay phải Trịnh Duy Sản. Vẫn chưa hay biết chuyện gì, nhà vua còn quát hỏi: "Giặc ở phương nào?". Duy Sản không trả lời, chỉ ngoảnh mặt đi mà phá lên cười và khi nhà vua định rẽ sang đường khác thì ông ta đã ra hiệu cho vũ sĩ cầm giáo đâm chết ngay trên mình ngựa. Liền đó, gã thừa chỉ Nguyễn Vũ cũng bị đập chết tươi, không kịp kêu lấy một tiếng.
Mặt trời đã lên đến một con sào mà người ta vẫn thấy cái xác dơ bẩn của gã tay chân này còn nằm co quắp bên lề đường, bê bết những máu và bụi đất. Còn xác nhà vua thì được đặt ngang trên lưng ngựa, béo ị, nhợt nhạt, chở về cửa Nam, trước viện Đãi Lậu chỗ phủ Tể tướng, để thiêu.
Ngôi viện đồ sộ này, chỉ mới hôm qua còn tấp nập ngựa xe, mà bây giờ đã trở thành vắng tanh vắng ngắt như chùa Bà Đanh. Lão thái sư cáo già Lê Quảng Độ đã lẩn đi đâu từ lúc nào, đố ai mà biết được! Lão dại gì mà xuất đầu lộ diện trong lúc mọi sự còn đang rối ren này. Lão cũng phải còn gờm đại quân của Nguyễn Hoằng Dụ chứ. Chưa biết lúc nào đạo quân ấy sẽ trở lại kinh thành để hỏi tội những kẻ đã giết vua. Viên tướng này không phải là không có nhiều tham vọng. Chỉ một cái danh nghĩa là vừa đánh quân "phiến loạn" Trần Cao bên ngoài vừa dẹp bọn phản nghịch bên trong cũng đủ đưa ông ta đến được địa vị thao túng cả quyền bính trong nước. Thế rồi bọn giặc Trần Cao chẳng dại gì mà không thừa dịp các cánh quân của triều đình lục đục với nhau để thực hiện cái mộng "được làm vua" của mình. Chặng đường kéo quân của chúng về kinh thành chẳng còn phải xa xôi mấy đỗi... Tốt hơn hết trong lúc này là hãy để một mình gã võ biền Trịnh Duy Sản gánh lấy cái tiếng nghịch đảng giết vua trước dư luận.
Trong dư luận thì ở Nghị sự đường trong thành cấm giữa các quan đại thần và cùng người tôn thất đang xảy ra một cuộc tranh chấp gay go quanh việc lập ông vua mới. Một phe thì muốn lập con Mục ý Vương là Quang Trị, lúc ấy mới tám tuổi, lên nối ngôi. Cánh khác lại đòi lập con Cẩm Giáng Vương là Y, dù sao
(1) Quãng phố Hàng Buồm, Hà Nội ngày nay.
cũng đã mười bốn tuổi. Nghe đâu trong cuộc cãi lộn này đã xảy ra án mạng. Tường quận công Phùng Dĩnh trong lúc nóng gáy đã sai lực sĩ giết chết Vũ Tá hầu Phùng Mại... Rồi ông vua tám tuổi được lên ngôi, đâu có ba ngày, chưa kịp đổi niên hiệu thì đã bị Trịnh Duy Ngạc đ em biệt về Tây Đô rồi thủ tiêu mất. Rút cục,
ô ng vua mười bốn tuổi được các phe phái Trịnh
Duy Sản cùng Lê Nghĩa Chiêu và nhiều người trong đám huân cựu tông thất đại thần tạm thời thỏa hiệp với nhau, phò tá lên ngôi, nhưng tình hình đã rối loạn đến mức chính những người này cũng phải lật đật rước vua về Tây Đô nốt để còn mưu việc dấy quân ra chiếm lại kinh thành đã để lọt vào tay Trần Cao.
Thật chẳng còn ra thể thống gì nữa!
*
Buổi sáng hôm ấy, có một chàng thanh niên trạc hai nhăm hai sáu tuổi, ghé đò vào bến Giang Khẩu(1).
Rõ ràng là anh ta mới từ xa tới, chưa rõ tình hình ở kinh đô, nên vẫn cứ diêm dúa với tấm áo the thâm dài lượt thượt của đám nho sinh và vành khăn nhiễu to bè quấn lên đến đỉnh đầu.
Thực ra thì phố phường kinh kỳ nào phải xa lạ gì đối với anh. Anh đã từng sống nơi đây suốt cả thời kỳ niên thiếu. Vả lại giới sĩ phu ở đây mấy ai đã quên được cái anh nho sinh nổi tiếng thần đồng của xứ Hải Dương, Nguyễn Bỉnh Khiêm(1) ấy. Nhưng mấy năm xa cách với những biến cố phi thường dồn dập cũng làm anh phải bỡ ngỡ ít nhiều.
Vừa mới bước đi vài bước, anh đã bị thu hút bởi những cảnh tượng khác lạ. Mới sáng sớm mà bến đò đã đông nghẹt những người từ khắp các phường phố đổ tới. Toàn là đám đàn bà con trẻ, ông già bà cả dắt dìu, bồng bế, kêu khóc như ri. Cứ mỗi lần có con đò ghé vào bờ là người ta ùa cả xuống, xô đẩy, bám víu, chửi rủa. Có người sảy tay lộn cả xuống sông. Suốt tám năm trời ở ngôi của Lê Tương Dực, dân phố kinh kỳ đã phải chạy nạn biết bao nhiêu lần, nhưng chưa thấy lần nào hỗn loạn đến mức này.
Thế mà quanh chợ Cầu Đông, quang cảnh lại vắng vẻ lạ lùng. Các căn lều trống huếch trống hoác. Các cửa hiệu đóng cửa im ỉm. Chỉ có những quán rượu là cứ tấp nập như thường. Bọn du thủ du thực, bọn lính tráng trốn ngũ, bọn phu phen khuân vác... thôi thì tha hồ mà lè nhè, mà tục tĩu:
- Mẹ kiếp, chỉ nay mai bọn quân "ba chỏm"(2) ấy nó kéo vào đây, thì đến cái mạng ông vua cũng chẳng hơn gì cái mạng con lợn! Tội gì mà chẳng say... Và bọn ăn mày chẳng biết từ đâu kéo đến mà đông vô kể. Họ cứ bu lấy những quầy hàng
rượu, ăn xin có, cướp giật cũng có. Đối với lớp người này thì chẳng có tình thế nào trên đời là đáng phải sợ cả. ấy cứ loạn to lên lại có khi sướng cơ đấy! "Thứ nhất quận công, thứ nhì không khố", cứ bảo thế chứ những lúc như thế này dễ thường anh "không khố" lại đứng hàng đầu.
Nhưng bỗng nhiên cái khối người bát nháo ấy cùng sững cả lại như bị một sức mạnh thần bí nào thôi miên vậy. Rồi cứ thế, chẳng ai bảo ai, tất cả đều rùng rùng nhổm dậy, tranh nhau mà chạy cả về một hướng.
- Anh em ơi, bọn lính canh biến mất tất cả rồi!
- Quân ông Dụ đã đổ lên chật cả bến Đông Bộ Đầu. Quân ông Sản thì tếch từ hôm qua. Nhà vua cũng chuồn nốt...
- Cấm thành bỏ trống toang. Không vào mà hôi của còn đợi lúc nào. Máu mỡ của chúng mình cả chứ của ai. Mau lên. Mau lên nào! Nguyễn Bỉnh Khiêm còn chưa hết ngạc nhiên sửng sốt thì đã thấy từ phía cửa Đông túa ra từng tốp từng tốp người, mặt mày hớn hở, khiêng khiêng vác vác đủ thứ của cải táp nham. Lụa là, châu báu, vàng bạc, trầm hương, cho đến cả hạt muối, hạt gạo... cứ thế vương vãi khắp các ngả đường, có chỗ ùn lên đến mắt cá chân. Thật không ai có thể ngờ được ngần ấy của cải lại chỉ để phục vụ cho một con người!
Nhưng kìa, sao lại từng đàn từng lũ người, lớn bé, già trẻ kêu khóc như ri, đang từ các phường mạn bắc kinh thành kéo xuống thế kia? Họ đi về đâu mà trông người nào người nấy hớt hơ hớt hải như bị ma đuổi? Có những cụ già dường như kiệt sức đành ngồi bệt xuống vệ đường, mặc cho bụi bám đầy người, bên mình chỉ tòn ten một cái tay nải lép kẹp hay chiếc bị cói bẹp dúm.
- Giặc thì chửa thấy đâu, chỉ thấy quân triều đình quay giáo tàn hại dân lành. Trông kìa, suốt từ Đông Hoa, Ngũ Xã xuống đến Hòe Nhai... phen này thì ra tro hết. Lửa cứ ngập trời thế kia thì còn gì nữa!
- Thật chẳng có cái thời nào lại cơ cực như cái thời này...!
Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn lòng nào mà dừng lại nhìn cảnh tượng ấy nữa, đành cứ sải chân theo dòng người ban nãy, lúc này đã thưa dần, để lọt vào thành.
Từ mấy năm nay, tuy ở xa, anh vẫn được nghe kể nhà vua đang cho đắp một bức tường thành mới dài hàng mấy nghìn trượng, chắn ngang sông Tô Lịch, bao quanh cả điện Tường Quang, quán Trấn Vũ và chùa Thiên Hoa phường Kim Cổ, chạy suốt từ góc đông đến góc tây bắc thành cổ, chiếm cả một khoảnh đất mênh mông để xây dựng ngôi điện trăm nóc với đài Cửu Trùng cực kỳ lộng lẫy, lại cả một khu vườn cấm với một dãy hồ quanh co,
khuất khúc thông ra hồ Tây, cùng đội "thuyền chiến" trang hoàng bằng đủ thứ gấm vóc, châu báu để những đêm trăng nhà vua ra du ngoạn cùng bầy cung nữ trần truồng chèo lái... Tất cả những thứ đó, nếu không có dịp này thì người dân như anh làm sao được chứng kiến tận mắt.
Mặc dầu đã được nghe đồn đại nhiều, anh vẫn sững sờ kinh ngạc trước quy mô của những công trình mà trong tưởng tượng anh cũng không thể hình dung ra nổi. Những cột lim tròn nhẵn bóng cao đến vút tầm mắt kia, nghe nói
đã được đưa từ những cánh rừng già bạt ngàn tận bên đất Ai Lao về. Bao mạng người đã bị vùi sâu dưới vực thẳm hay làm mồi cho thú dữ vì những cây cột đó? Rồi những phiến đá to bằng cả ngôi nhà kia cũng phải chở từ đất Chiêm Thành tới, còn hằn trên mình những nét hoa văn tuyệt xảo, những hình người, hình thú cực kỳ sinh động mà chỉ có bàn tay tài năng đặc biệt của những nghệ sĩ Chàm mới tạo ra được. Biết bao nhiêu thuyền mảng kiên cố cùng những tay thợ tài ba đã bị sóng gió nhận chìm để chở những khối đá đồ sộ ấy về đây? Tất cả, tất cả những vật xa lạ đó như đã được chế ngự, được sắp đặt bởi một bàn tay thần để biến thành những ngọn tháp chọc trời, những dãy hành lang thăm thẳm, những bệ đá uy nghiêm, những vòm cổng bề thế tưởng chừng như cả một đoàn voi có thể đi qua một cách dễ dàng...
Nhưng ở đây cảnh tượng hỗn độn đã lên đến mức không thể tưởng được. Dân trại, dân phố, thợ thuyền, phu phen, binh lính, tù nhân... thật chẳng còn phân biệt được ai với ai nữa. Nào vồ, nào búa, nào cuốc, nào câu liêm, họ lăn xả cả vào những dãy điện dài như những con thú dữ khổng lồ đã từng gây cho họ biết bao tai họa. Họ hè ó, họ xô đẩy, họ phá phách. Từng tảng ngọn tháp, vòm cổng từ tận trời cao rùng rùng đổ xuống. Từng dãy cột lực lưỡng như từ lòng đất mọc lên cũng ngã lộn tùng phèo. Cứ như trời long đất lở. Bụi đất lầm lên che tối cả bầu trời...
Sự căm phẫn của lớp chúng đông đảo kia, bị nén lại từ bao lâu, khi nó đã bùng lên thì thật là khủng khiếp! Đã bao năm rồi họ phải quằn quại trong cảnh lao động khổ sai, trong roi vọt, cùm kẹp, trong đói khát, bệnh tật. Biết bao nhiêu đồng đội của họ đã bỏ mạng nơi đây, vì kiệt sức, vì đau ốm mà chẳng được thuốc thang, vì gỗ đá đè bẹp, vì xẩy chân trượt ngã từ những tầng cao. ấy là chưa kể cha mẹ, vợ con của họ ở quê nhà chết dần chết mòn vì sưu cao, thuế nặng, vì thiên tai, dịch lệ để cung đốn cho cái trò ăn chơi xa xỉ.
Thế mới biết "Phúc chu thủy tín dân do thủy", thật không sai chút nào với lời dạy của cụ ức Trai xưa(1).
Nhưng mà cái xác nào kia vẫn còn nằm phơi ra đấy giữa một đám cỏ đầy bụi bậm? Cái xác đã xám ngoách, méo xệch, hai mắt bị khoét sâu hoắm ruồi nhặng bu đầy. ấy thế mà kẻ qua người lại vẫn chưa tha nhổ vào mặt, quẳng đá vào đầu, hoặc ít nhất cũng chửi tục mấy câu cho bõ ghét.
Thì ra đó là xác Vũ Như Tô, người chủ trương tất cả những công trình này. Vũ Như Tô, chỉ một cái tên đó cũng đủ làm cho Nguyễn Bỉnh Khiêm phải bàng hoàng như đứng trước một số phận éo le đến kỳ lạ. Một công trình thế kia, không phải tài năng thì làm sao sáng tạo nổi. Từ một anh thợ bình thường ở làng quân Cẩm Giàng Hải Dương, anh ta đã trở thành ông đô đốc kiêm quản các sở thuộc bộ Công. Nhưng số phận đã gắn bó tài năng ấy với một ông vua vô đạo. Rút cục anh ta cũng trở thành một kẻ vô đạo. Có lẽ nào anh ta lại không trông thấy, không nghe thấy, không cảm thấy chút nào nỗi oán hận chồng chất của muôn dân vì cái công trình oan nghiệt này? Để rồi giờ đây anh ta đã tự chuốc lấy một số phận bi thảm!
Tài năng với số phận! Mà xét cho cùng lại là tài năng với thời thế! Thời thế! Nhưng rốt cuộc cái thời thế này nó là thế nào? Dù sao thì Vũ Như Tô cũng không hiểu gì về thời thế, điều đó đã đành. Nhưng người quân tử thì lẽ nào không hiểu thời thế. Tất cả phương châm hành động của anh ta, kinh quyền, hành tàng, xuất xử đều phải bắt đầu từ hiểu thời thế. Nhưng điều đó, chính lúc này mới khó làm sao!
Khi vua Uy Mục lên ngôi thi hành bạo chính, đảo lộn cương thường, người trong nước thảy đều oán giận. Nhưng nào có ai đã dám nghĩ rằng cơ đồ nhà Lê đến đây là đến thời đổ nát. Công nghiệp vĩ đại dẹp yên giặc nước, gây dựng kỷ cương của các triều Thái Tổ, Thái Tông như hãy còn sờ sờ trong ký ức mọi người. Làm sao một triều đại thuận ý trời, hợp lòng dân như vậy mà vận số chưa quá được một trăm năm? Vậy thì Uy Mục ra đời chẳng qua là một sự biến bất thường.
Có lẽ cũng vì vậy mà ông "vua quỷ" này đã không tác oai tác quái được quá năm năm. Và khi một hoàng thân là Giản Tu Công Lê Oanh đứng lên phất cờ trừ bạo, thì chỉ trong khoảnh khắc là ông ta đã tập hợp được cả một lực lượng hùng hậu để đè bẹp một cách dễ dàng và chóng vánh mọi sự cố gắng phản kháng của Lê Uy Mục. Trong số những người ứng nghĩa nào phải chỉ có những cựu thần tông thất đang bị săn đuổi vào Thanh Hóa, mà còn rất nhiều vị khoa bảng nổi tiếng đương thời...
(1) Niên hiệu dưới triều Lê Hiến Tông (1498-1504), người kế vị Thánh Tông.
Lúc ấy có ai dám ngờ rằng tình thế lại đến như ngày nay. Có ai ngờ rằng chính ông hoàng thân mang dòng máu họ Lê mà mọi người suy tôn lên ấy chẳng bao lâu đã phản bội họ để đi theo con đường mòn của người trước. Và sau ông ta, cho đến lúc này, vẫn chỉ là một viễn cảnh tối tăm mù mịt, không có đường ra.
*
Đi miên man giữa những cảnh tượng khác thường dồn dập, mãi đến quá trưa Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra khỏi cửa tây hoàng thành, lòng trĩu nặng ưu tư. Anh bước lần theo một con đường đất khá rộng dẫn về khu thập tam trại của tổng Nội. Đây rồi dãy hồ ao xanh rờn nối nhau liên tiếp, đứng trên cao trông xuống như một chuỗi hạt cườm. Và những chỏm gò xinh xắn, lè tè như những chiếc nón úp, nổi lên đó đây giữa những xóm làng và đồng ruộng. Kia núi Bò rợp bóng những cây muỗm rườm rà, thân cây trám lực lưỡng chạy men theo một dã đầm rồi bỗng lội hẳn xuống nước, tiến thẳng đến cửa đền Linh Lang, tạo thành một cảnh lâm tuyền bên lề thành thị. Và kia nữa, rẽ về phía Bắc một chút là núi Voi, hay núi Thái Hòa, tên phường gốc tích của vị anh hùng kiệt xuất dưới triều Lý, Lý Thường Kiệt.
Tất cả cái khung cảnh quen thuộc ấy bỗng nhiên đã làm sống dậy biết bao kỷ niệm êm đềm và tươi sáng của cả một thời niên thiếu anh đã từng sống nơi đây. Những ký ức đó đã làm cho tâm hồn anh lắng dịu trở lại, gần như thanh thản trong chốc lát.
Phải rồi, đó là vào cái thời Cảnh Thống(1) mà nhân dân còn được sống trong cảnh thái bình thịnh vượng; cái thời mà mọi kỷ cương phép tắc từ triều đình đến nơi thôn xã đều còn vững vàng, chặt chẽ tưởng như không bao giờ có thể phá vỡ được; thời kỳ mà đạo học vẫn còn thịnh đạt, cứ như một làn gió ấm chan hòa rộng khắp, thấm đượm đến tâm can lớp người non trẻ như anh, xốc lên cả một hoài bão công danh vĩ đại: học thành tài để phò vua giúp nước, xây dựng một triều đại Đường, Ngu ngay trên cơ đồ Đại Việt này.
Hồi ấy, xóm làng nơi đây, mặc dầu vẫn mang danh là "trại", đã có một nề nếp làm ăn sinh sống thật là tươi vui, đầm ấm. Cứ sáng sáng, từng gánh, từng gánh cỏ non to bằng cả đống rạ, từ mãi tận Cống Yên, Cống Vị, Liễu Giai kìn kìn trẩy ra cửa Nam để bán cho các quan trông voi trông ngựa chiến của nhà vua. Rồi những con thuyền đầy ắp rau dưa, ngược xuôi trên những dòng kênh, kẻ về Vĩnh Phúc, Thủ Lệ, kẻ xuôi ra Xuân Biều, Ngọc Hà... Tiếng hát, tiếng cười, tiếng ghẹo nhau lao xao, lánh lót. Lại những ngày hội hàng năm ở đình Tổng, trại Vĩnh Phúc, nhất là đám rước kiệu mang bài vị thần Linh Lang từ Voi Phục về thì thật là hấp dẫn. Qua núi Bò, phu kiệu phải cúi, phải
bò mà kiệu trên vai vẫn không hề nghiêng lệch...
Chả vậy mà từ mấy đời nay, nhiều vị quan trí sĩ và cả tại triều nữa, đã tìm về khu này để lập tư dinh xung quanh núi Thái Hòa, núi Trúc, núi Vạn Bảo, khi thành xóm, có khi xen lẫn với nhà dân. Hồi ấy các quan còn có thời gian được thư thái tâm hồn để nghĩ đến việc di dưỡng tính tình và thực hiện một trong những niềm vui lớn của người quân tử là dạy người không biết mỏi (giáo nhân bất quyện).
Thấm thoắt thế mà hơn mười năm đã trôi qua. Anh thanh niên hai sáu hôm nay khi ấy mới chỉ bước vào ngưỡng cửa của thời niên thiếu với cái tuổi mười ba, mười bốn tràn đầy sức sống và khát vọng lý tưởng, cái tuổi mà mọi ký ức vui buồn đều khắc sâu trong tâm khảm cho đến trọn đời không bao giờ phai nhạt. Cho đến hôm nay, lại đặt chân trên những nẻo đường cũ, anh vẫn còn thuộc như chính lòng bàn tay mình từng ngõ xóm, từng bụi cây, từng căn nhà và nhất là từng con người, không phải chỉ những người thầy, người bạn của anh, mà là cả những bác nông dân cần cù, gan góc đã đem hai bàn tay trắng tới đây khai phá một vùng đất hoang vu để lập nên cả mười ba trại trù phú này.
Anh quên làm sao được ngôi trường xưa thân yêu, một nếp nhà năm gian, hai chái, mái ngói, cột lim vững chãi mà giản dị, nằm dựa vào chân núi Thái Hòa. Đó chính là tư dinh của quan Lại bộ thị lang Lương Đắc Bằng. Chính người đã sửa sang nó, vừa làm nhà ở, làm từ đường thờ tổ, lại vừa làm nơi giảng học.
Hồi ấy lớp học mới đông vui làm sao! Những con nhà thế gia vọng tộc ở chốn kinh kỳ, những thiếu niên tuấn tú từ bốn phương trời đã tìm về đây, tìm đến một người thầy nổi tiếng uyên thâm và đức độ. Những buổi giảng sách cứ như cuốn hút mọi người, nhiều khi kéo dài, say sưa đến nỗi tối trời từ lúc nào mà không ai để ý.
Tuy về tuổi tác chỉ vào hạng em út trong trường, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm lại được thừa nhận như người học sinh ưu tú nhất. Ngoài những buổi học chung, thầy thường cho vời riêng anh cùng vài bạn nữa để cùng đàm đạo thêm về thời thế, về lẽ kinh quyền, xuất xử của các bậc thánh nhân. Thầy còn đặc biệt hướng dẫn anh đi sâu về dịch lý, nắm cho vững mọi lẽ biến thiên tuần hoàn của tạo vật, coi đó như là cái chìa khóa vàng để tìm hiểu và dự đoán mọi diễn biến phức tạp trong lịch sử, trong cuộc đời, để có thể tùy thời mà xử thế sao cho xứng với tư cách của người chính nhân quân tử.
Tiếc thay tình thế đã biến đổi quá mau lẹ. Người thầy tôn kính đó đã buộc lòng phải từ
(1) Nay là huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
giã đám môn sinh đầy hứa hẹn để lao vào những công việc cấp bách hơn, trọng đại hơn của một quốc gia mà một vị đại thần đầy tâm huyết như người không thể từ nan.
Thế là từ đó đến nay...!
*
Vừa rẽ vào con đường xóm trường cũ, anh đã cảm thấy một nỗi xúc động, hồi hộp khó tả. Cứ như người đi xa lâu ngày vừa được trở về quê hương vậy. Nhưng cảnh tượng trước mắt còn đâu như trong ký ức của anh nữa. Mọi thứ đã thay đổi quá nhiều! Đồng lúa vẫn xanh, xanh lúa, xanh cả bờ cỏ. Nhưng xóm làng hình như đã già cỗi hẳn đi. Vắng lặng chỉ lay lắt đó đây vài sợi khói lam chiều. Xen giữa những túp lều đó, nhiều chỗ chỉ còn là những nền cũ rêu phong, cỏ dại mọc đầy. Thì ra trong những ngày loạn lạc này, nhiều vị quan lớn đã không còn dám tin vào lòng dân nữa. Họ đã phải dỡ cả dinh cơ để dọn về quê quán, hoặc vào ẩn núp trong thành, mặc dầu cái bức thành cao ngất ấy bây giờ cũng chẳng lấy gì làm vững chãi cho lắm.
Anh bỗng như sững lại trước một bức tường vây đã sụp lở từng mảng, còn trơ lại một nếp cổng trống hoác, phủ kín rêu xanh và tầm gửi. Nhìn qua cái sân gạch rậm cỏ, ngôi nhà chính chỉ còn như một cái miếu cổ với mái ngói rêu đen đã lún xuống từng mảng và những tấm giại gỗ nứt nẻ, bạc phếch thời gian.
Phải rồi, đây chính là ngôi nhà của cố thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ, một nạn nhân của bạo chúa Lê Uy Mục. Hồi ấy vua Hiến Tông bị bệnh nặng sắp băng, có để lại di mệnh cho người con thứ ba là thái tử Thuần lên nối ngôi, tức là vua Túc Tông. Nhưng một số thân vương trong đó có người anh thứ hai của thái tử là hoàng tử Tuấn, tức Uy Mục sau này, đã mưu sự thoát đoạt. Mẹ nuôi của Tuấn là Kính phi - vì mẹ đẻ đã mất - sợ các đại thần không theo về con mình bèn cho người đem vàng bạc đút lót quan thượng thư Đàm Văn Lễ là người đang có uy vọng bậc nhất trong đám triều thần bấy giờ. Nhưng ông không những khước từ mọi âm mưu đen tối mà còn cẩn thận đề phòng mọi biến loạn có thể xảy ra, lẻn vào tẩm điện lấy ấn truyền quốc cất giấu về nhà, rồi cùng các đại thần, tông thất lập tức phò vua Túc Tông lên ngôi, theo đúng ý chỉ của tiên đế.
Thật chẳng may, Túc Tông mới trị vì được sáu tháng đã băng. Người lên nối nghiệp lại chính là Uy Mục. Thế thì ông tránh sao khỏi bị nạn! Uy Mục đã theo kế gian của bọn nịnh thần Khương Xung, Nguyễn Nhữ Vi biếm ông cùng Đô ngự sử Nguyễn Quang Bật đi làm Thừa tuyên sứ Quảng Nam, để rồi giữa đường, khi các ông vừa đến khúc sông Lam thuộc địa phận huyện Chân Phúc(1) thì cho người đuổi kịp bắt phải tự tử. Nghe nói khi sắp gieo mình xuống nước, hai ông còn ngâm một bài thơ tuyệt mệnh bằng quốc ngữ. Nhưng bài thơ ấy
nay còn đâu!... Dĩ nhiên là sau vụ án đen tối ấy, tất cả con cháu của ông làm sao còn có thể ở yên trong ngôi nhà này được.
ại, những con người kiên trinh, trong sạch thì cứ mỗi ngày một vắng bóng mãi đi, còn những bọn gian ngoan, xu nịnh thì càng ngày càng nhao nhao nhảy nhót như ếch nhái gặp trời mưa. Còn gì là tiền đồ của đất nước nữa!
*
Cuối cùng thì Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã đến được cái đích của cuộc hành trình đầy biến cố hôm nay, ngôi trường cũ thân yêu của anh, nhà quan thị lang Lương Đắc Bằng. Trong những ngày tình thế rối ren khó hiểu này, anh thấy không thể thiếu được một lời chỉ giáo vàng ngọc, thậm chí chỉ một lời khuyên răn hay động viên của người thầy từng trải và sáng suốt ấy.
Thực ra thì suốt mấy năm trời xa cách, anh vẫn cố gắng theo dõi được phần nào công việc của người, nhằm tìm ra trong đó những bài học thực tiễn bổ ích cho nhận thức và phương châm xử thế của anh. Nhưng với tầm hiểu biết còn chưa vượt ra ngoài khuôn khổ sách vở của một chàng thư sinh trẻ tuổi, anh làm sao có thể dễ dàng nhận ra mọi ý nghĩa của những việc làm đó. Thời thế? Cái thời thế đầy biến cố bất ngờ mà anh đang sống đây, nó là cái gì? Rút cục đó vẫn là bài toán nan giải hằng ngấm ngầm day dứt tâm can anh từ bao năm nay. Có những lúc anh tự cảm thấy như hổ thẹn với bản thân mình. Thì ra sau bao nhiêu năm đèn sách, anh vẫn chỉ là một gã "dài lưng tốn vải". Trong khi đó thì người thầy của anh vẫn một mình bôn tẩu, dốc lòng chèo chống giang sơn.
Anh còn nhớ như in cái cảm giác sửng sốt đến bàng hoàng khi lần đầu tiên nghe tin thầy anh đã thảo bài hịch dụ các quan đại thần và các quan, kể tội tên bạo chúa Lê Uy Mục. Mà cảm giác đó đâu phải là chỉ của riêng anh. Lạ quá! Phi thường quá! Làm sao có thể đến nông nỗi ấy được nhỉ? Việc làm này rồi sẽ đi đến đâu?
Thế rồi với bài hịch đó hoàng thân Lê Oanh, lúc ấy đang thân cô thế cô vì mới vượt ngục ra, đã nhanh chóng tập hợp được cả một đội ngũ hùng mạnh nào quan văn, quan võ, nào binh lính, chúng dân, khiến cho chỉ trong vòng hai mươi hôm bạo chúa Uy Mục đã không còn có chốn nương thân.
Vậy thì sức mạnh là ở đâu, nếu không phải là ở lòng người? Phải rồi, bài hịch đã đi vào lòng người. Và đã đi đúng lòng người thì sao còn là kỳ lạ, còn trái lẽ nữa. Chẳng phải là chính anh đã thuộc lòng từng lời, từng chữ trong bài hịch vang dội đó sao.
"Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ kém hèn, làm nhơ bẩn nghiệp lớn. Lần lữa đã năm năm. Giết hại người xương thịt, dìm hãm các thần liệu. Bọn họ ngoại được tin dùng mà phường đuôi chó tung hoành làm bậy. Kẻ cương trực
bị ruồng bỏ mà người đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Tước đã hết rồi mà thưởng bậy không ngớt, dân đã cùng rồi mà vơ vét không thôi..."
Thật là sảng khoái!
Hoàng thân lên ngôi, trở thành vua Lê Tương Dực, liền gia phong chức tước cho hàng loạt người có công phò tá, tất nhiên trong số đó không thể thiếu người thảo hịch Lương Đắc Bằng. Nhưng chỉ sau đó ít lâu, nhân có tang, người đã xin cáo quan về. Và khi nhà vua vời ra để khôi phục chức Lại bộ tả thị lang, cho kiêm thêm Đông các đại học sĩ nhập thị kinh diên, thì người vẫn một mực chối từ, chỉ nhân dịp này mà dâng lên bảng kế sách trị bình mười bốn điểm, có ý mượn lời người xưa để răn đe ông vua trẻ tuổi chớ vội kiêu sa vì thắng lợi dễ dàng, mà phải biết tỉnh táo nhìn rõ tình thế nguy ngập trước mắt để chăm lo chỉnh đốn mọi việc.
Hồi ấy, anh làm sao giải thích nổi hành động này của người thầy cao kiến. Nhà vua mới lên ngôi còn tỏ ra biết chăm lo giáo hóa, cẩn thận hình phạt. Lại cho ban hành Trị bình bảo phạm để răn bảo bề tôi giữ gìn lòng trung thành lương thiện, chăm chỉ chức phận, không được cậy thế ngược đãi dân đen. Mọi người còn đang mong ngóng một sự đổi mới đem lại thịnh trị thái bình. Có ai ngờ đâu chỉ vài năm sau sự thật đã diễn ra đúng như người dự đoán. Thì ra cái câu châm ngôn "phòng vi dỗ tiệm" của thánh hiền mà anh vẫn thuộc lòng ấy, anh đã nắm được gì đâu. Một con người sáng suốt lẽ nào lại không biết đề phòng tai họa ngay khi nó mới manh nha, không biết chèn lấp lỗ hổng khi nó mới đang rạn nứt ngấm ngầm.
Cứ như thế, người thầy tuy ở xa mà vẫn như luôn luôn có mặt bên anh, dìu dắt anh, thôi thúc anh đào sâu thêm mãi mọi lý lẽ của sự vật và nhất là, ngoài ý thức của anh, lôi cuốn anh từng bước dân mình vào cuộc đời để kiểm tra sở học của mình.
Có những đêm thanh tĩnh, ngồi suy ngẫm về lý lẽ kinh sách thầy giảng năm xưa với những hành động thầy làm hôm nay, anh lại cảm thấy trong lòng như rạo rực lên một niềm khát khao, một sức mạnh vươn tới mơ hồ nào đó. Phải rồi, "thời thế tạo anh hùng". Thời thế có khó khăn mới cần đến anh hùng chứ. Cái khó ở chỗ là nắm bắt được thời thế. Được thời và có thế thì sẽ biến mất thành còn, chuyển nguy thành an...
Chính vì vậy mà hôm nay, mặc dầu quê nhà gặp loạn, có thể nguy hiểm đến tính mạng dọc đường, anh vẫn quyết tâm lặn lội về đây để được tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra chốn đế đô và thỉnh giáo người thầy đã lâu năm xa cách.
Nhưng một điều bất ngờ quá đau đớn đã xảy đến với anh. Người thầy kính yêu đó sắp vĩnh viễn từ biệt anh, thế mà nào anh có biết.
Trước mắt anh lúc này, người chỉ còn như bộ xương bọc da đang hổn hển kéo những hơi thở tàn nặng nhọc. Bất giác anh quên cả việc thi lễ đối với các bạn đồng môn đang ngồi quây chật cả mấy gian nhà, đến sụp lạy dưới chân giường, khóc nức nở.
Nghe cái tên yêu quý "Nguyễn Bỉnh Khiêm", người hấp hối bỗng như bừng tỉnh giấc. ạng ngơ ngác ra hiệu cho mọi người vực dậy. Lúc này trời đã tối. Nhưng những ngọn lửa từ phía kinh thành vẫn ngùn ngụt bốc cháy, chiếu sáng vào tận trong rèm. ạng cố hé mở cặp mắt mờ đục như muốn bao quát lại một lần cuối cùng tất cả những gương mặt tươi trẻ, tuấn tú của đám môn sinh, rồi bằng một giọng thều thào đứt quãng, ông nói:
- Ta vốn chỉ là một gã thư sinh hèn mọn, nhờ ăn mày cửa Thánh mà lập được chút công danh. Ta vẫn thẹn mình không theo gót được người xưa làm cây cột vững chống giữa dòng. Nay ta xem chừng vận số của nhà Lê khó lòng mà vãn hồi được nữa. Tình thế từ nay về sau sẽ như thế nào, ta chỉ khuyên các con hiểu cho đúng cái nghĩa "tùy thời" của người quân tử mà xử thế. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải nhớ đến bài học cuối đời Trần, không bao giờ được rước voi về giày mả tổ, để đến nỗi trăm họ phải lầm than. Đó là cái tội không gì lớn bằng...
Dường như không còn đủ sức nói tiếp nữa, ông đành ra hiệu cho mọi người xích lại gần hơn, rồi từ từ đặt tay người con trai yêu quý Lương Hữu Khánh vào lòng bàn tay người học trò ưu tú nhất, Nguyễn Bỉnh Khiêm, với một cái nhìn ân cần gửi gắm. Người thiếu niên đã hiểu ý, vội vàng thụp xuống lạy cha, đoạn hướng về Nguyễn Bỉnh Khiêm mà thi lễ theo đúng nghi thức thầy trò, trước con mắt đồng tình của tất cả mọi người.
Vừa lúc ấy thì người lão bộc do Lương Đắc Bằng phái đi từ chiều để theo dõi tình hình ngoài kinh thành đã hớt hải trở về. Trông nét mặt bác, ai cũng có thể đoán ra sự chẳng lành, nhưng không ai dám ngăn bác lại vì sợ trái ý thầy. Vừa phủ phục xuống dưới chân giường, bác vừa nói như mếu máo:
- Bẩm quan lớn cùng chư vị, "giặc" Trần Cao đã kéo vào kinh thành. Nhà vua cùng chư tướng đã dời vào Tây Đô. Thái sư Lê Quảng
Độ đã ra hàng "giặc". Trần Cao đã tự xưng hoàng đế, tiếm đặt niên hiệu Thiệu ứng, thiết triều và dùng Lê Quảng Độ coi việc nước...
Lương Đắc Bằng chỉ còn kịp ú ớ vài tiếng, rồi thở hắt ra.
II
Rồng thiêng dành sức chờ xuân noãn
Sau khi cùng các bạn đồng môn lo việc giả nghĩa thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nấn ná ở lại kinh kỳ một thời gian khá dài. Bạn bè của anh ở đây còn khá đông. Chính trong cái buổi thời loạn ly này, những cuộc gặp gỡ lại càng trở nên quý giá. ít nhất thì người ta cũng có thể cùng nhau san sẻ chút ít gánh nặng lo â u đang đè trĩu trong tâm hồn mỗi người.Vả lại, tuy không nói ra, nhưng trong thâm
tâm anh vẫn cảm thấy như muốn chờ đợi một cái gì đó mơ hồ đến chính anh cũng không nhận rõ được, nhưng dù sao cũng vẫn là một tâm lý chờ đợi, chờ đợi đến nóng lòng. Chẳng lẽ thời thế rồi đây cứ mãi thế này sao? "Vật cực tắc phản", một sự vật khi đã phát triển đến cực độ ắt sẽ làm nảy sinh ra cái ngược lại với nó. Bĩ đến thế này là cùng cực rồi còn gì. Vậy thì điều gì ắt sẽ xảy đến?
Trần Cao? Tất nhiên đó không phải là con người mà anh mong đợi. Đối với anh, y dứt khoát là một tên giặc không hơn, không kém. Chỉ nội một việc y tự xưng là Đế Thích giáng sinh, lại là cháu chắt của vua Trần Thái Tông, họ ngoại của Quang Thục hoàng hậu(1) cũng đủ chứng tỏ cái tà thuyết của y nhảm nhí đến mức nào. Rồi đến việc y dùng tên Lê Quảng Độ phản phúc mà mọi người đều phỉ nhổ để nắm việc nước thì thật hết chỗ nói. Vẫn biết là quân tướng của y không đến nỗi ăn tàn phá hại đến của dân như chính những đạo quân mang danh nghĩa triều đình. Nhưng chỉ một việc ấy thôi cũng chưa đủ làm người ta có thể tin tưởng ngay được.
Mà quả như vậy. Y chưa kịp ngồi nóng chỗ trên ngai vàng thì đã bị đánh bật ra khỏi kinh thành. Trước nguy cơ bị mất hết quyền lợi, bọn tướng tá của nhà vua, những Trịnh Duy Sản, những Nguyễn Hoằng Dụ, những Trịnh Tuy vốn đang hục hặc đá nhau, liền vội vàng tự dàn xếp, khiến vua Lê Chiêu Tông đã có thể dựa vào chúng để khôi phục Đông Kinh chỉ vẻn vẹn trong vòng nửa tháng. Ngày 27 tháng 4 năm Bính Tý, nhà vua đã chính thức làm lễ đăng quang, đặt niên hiệu Quang Thiệu năm thứ nhất (1516).
Tiếc thay, Quang Thiệu đế lại càng không phải là con người của thời cuộc. Ngay từ đầu, ông vua mười bốn tuổi này đã tỏ ra chỉ là một con rối thảm hại trong tay các phe phái quân phiệt hung hãn mà ông ta chẳng làm sao hòa giải, chứ đừng nói chế ngự được.
Vì vậy bóng Trần Cao mới tạm được đẩy lùi xa đôi chút thì lập tức các phe phái lại quay lại cắn xé lẫn nhau kịch liệt hơn bao giờ hết. Phường phố Thăng Long lại một phen náo động hẳn lên vì những trận hỗn chiến chí mạng giữa những cánh quân của Trịnh Tuy và của Nguyễn Hoằng Dụ.
Trịnh Duy Sản lúc này đã chết vì tay Trần Cao rồi. Nhưng một tay chân của y là Trần Chân lại nhảy vào cuộc. Thế là chẳng bao lâu cả một dải từ Sơn Tây, Sơn Nam vào đến Thanh Hóa, khói lửa chiến tranh lại bùng lên dữ dội. Làng xóm hoang tàn, dân chúng táo tác, chẳng còn biết trông cậy vào đâu được nữa.
Thái Hòa nào phải Ngu, Chu,
Nực cười giao chiến hai thù không ngơi. Máu sông xương núi khắp nơi, Cá đầm, sẻ bụi, vì ai đuổi cùng...(1)
Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ còn biết nhìn đời mà ngâm lên mấy câu thơ ngụ ý cùng bạn bè.
(1) Dưới đây, những đoạn trích thơ in chữ đứng đều là dịch thơ chữ Hán, khác với các đoạn in chữ nghiêng là thơ chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
"Nực cười giao chiến hai thù không ngơi", cái cười mới mỉa mai, chua chát làm sao! Nhưng không cười thì còn biết làm gì bây giờ, trong khi anh, anh vẫn chỉ là một thư sinh chưa có danh phận.
Chẳng còn gì để chờ đợi nữa, đau buồn, tủi hổ, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại đành lủi thủi trở lại quê nhà.
*
Trời đã sang thu. Sau những ngày mưa lũ dữ dội, các triền sông lại trở nên êm ả như thường. Con đò nhỏ nhẹ lướt dưới bầu trời xanh thẳm, giữa những làn gió mát rượi. Đôi bờ, cây cỏ vẫn còn giữ được cái vẻ xanh tươi rực rỡ của mùa hè. Những gốc gạo lực lưỡng vẫn thanh thản vươn cao, lác đác đôi chùm hoa mập mạp đỏ thắm. Mấy bác phu đò, mặc dầu vẫn luôn mồm nhắc nhở hành khách phải nghe ngóng, dè chừng, nhưng chốc chốc lại cất lên một giọng hát đò đưa nghe mới yêu đời làm sao.
ại, cuộc sống thanh bình, cuộc sống thanh bình vẫn quanh quất đâu đây, trong cảnh vật, trong lòng người. Cuộc sống thanh bình bất diệt như lẽ hóa sinh của trời đất. Thế mà tại sao, tại sao chỉ vì một chút lợi ích vị kỷ nhỏ nhen nào đó, người ta đã đang tâm chống lại nó, xô đẩy cả hàng vạn con người vào cảnh tương tàn khủng khiếp?
Kìa, sau những lũy tre xanh lại thấp thoáng những đống tro tàn, những khung nhà trơ trụi. Mà sao suốt cả một giải bãi sông màu mỡ này lại vắng bóng con người, không một tiếng gà, tiếng chó? Họ đã trôi dạt đi đâu cả rồi? Xa lìa quê hương, đồng ruộng thân yêu họ còn biết sinh sống ra sao?
Miên man với những ý nghĩ chập chờn như trong giấc mộng ấy, nhiều lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm như quên đi mất là mình đang đi trên đất "giặc" Trần Cao. Sau khi bị đánh bật khỏi kinh thành, Trần Cao vẫn còn chiếm cứ cả một vùng rộng lớn bao gồm hầu hết đất Hải Dương lên đến Bắc Giang, Lạng Sơn. Nhưng ông ta đã gọt đầu đi tu và trốn biệt tích, nhường ngôi cho con là Trần Cung. Với niên hiệu Tuyên Hòa, Trần Cung đang lợi dụng chút thời gian thư thả, vì các cánh quân của triều đình đang mải quần nhau ở phương khác, để củng cố khu vực của ông ta. Cho nên cái cảnh yên tĩnh không bình thường nơi đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thừa hiểu đó chỉ là nhất thời, tạm bợ. Nhưng dù sao đó cũng là những khoảnh khắc thời gian rất đáng ghi nhớ. Với cái điều đáng lạ là các cánh quân của họ Trần mà anh vẫn đinh ninh là "giặc" này dường như cũng biết trân trọng những phút hiếm hoi quý giá đó, họ không đi
(1) Vĩnh Lại nay là khoảng huyện Vĩnh Bảo, Tiên Minh khoảng huyện Tiên Lãng, đều thuộc ngoại thành Hải Phòng.
cướp bóc, đốt phá như nhiều đạo quân khác. Những cảnh hoang tàn đổ nát dọc đường chỉ là dấu vết của những cuộc "đánh dẹp" của quan quân triều đình, vừa mới diễn ra không lâu.
Và thế là chuyến đi của anh về đến quê nhà đã được hoàn toàn trót lọt, thoải mái như chẳng hề có sự chiến tranh nào hết.
*
Kia rồi, khúc sông quê nhà! Dòng sông Thái Bình càng ra tới biển càng trải rộng mãi ra, nhưng vẫn một vẻ hiền hòa bình lặng. Chiếc đò ngang nho nhỏ vẫn cần mẫn đi về, nối liền đôi bờ, bên này là đất Vĩnh Lại, có làng Trung Am, quê nội của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bên kia là đất Tiên Minh với làng An Tử Hạ, quê ngoại của anh(1).
Dường như đã thành thói quen, cứ mỗi lần đi xa về đến quãng sông này là anh lại ghé vào thăm quê ngoại, mặc dầu ở đó anh hầu như chẳng còn ai quen thuộc. ạng bà ngoại anh đã mất từ lâu. Mẹ anh cũng không còn trên cõi đời này nữa. Hai bác đều đã xiêu cư bạt quán đi tận phương xa(1). Cứ như vật đổi sao dời vậy!
Cho đến nay, cái làng quê hẻo lánh chỉ nổi tiếng về một món thuốc lào cổ truyền, nằm trong cả một vùng quê thuần phác, rất ít phát triển về văn học, với sự bột phát của một dòng họ Nhữ, vẫn còn là điều khó hiểu đối với anh.
Nào phải xa xôi gì, mới vào thế hệ các cụ ngoại anh, cụ Nhữ Văn Thực vẫn còn là một dân nghèo trong một gia đình bán nông bán thương. Cụ cũng có học hành ít nhiều, cũng võ vẽ thi cử nhưng không đỗ. Thế là suốt đời cụ đành an phận với một quán nước chè và một mụn con trai duy nhất, Nhữ Văn Lan. Cụ có ngờ đâu chính người con trai mà hai cụ nuôi nấng chỉ bằng tình thương yêu ấy đã tỏ ra thông minh khác thường ngay từ tấm bé và chẳng bao lâu đã làm rạng rỡ cho dòng họ và quê hương với cái bảng vàng tiến sĩ, vào đúng thời kỳ mà văn học thịnh vượng, kẻ sĩ thành đạt được vinh hiển tới mức chưa từng có trong lịch sử. Đó là vào khoa thi hội năm Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận đời Lê Thánh Tông (1463).
Nhữ Văn Lan chính là ông ngoại anh. Nổi tiếng về đức độ chính trực, cụ được nhà vua hết sức tin dùng, trải qua nhiều lần thăng thưởng đã làm đến chức Thượng thư bộ Hộ. Nhưng chỉ vừa tới tuổi 60, cụ đã kiên quyết xin cáo quan về nghỉ ở quê nhà, lấy việc trực tiếp chăn dân làm nguồn vui duy nhất. Cụ đã sử dụng uy tín của mình để khuyến khích mọi việc nông tang, khởi xướng các cuộc khơi mương,
đắp đập. Cụ cũng bỏ nhiều công sức để cùng các bô lão tu tạo làng xóm, mở mang việc học và nhất là bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan. Cụ được chúng dân khắp vùng yêu kính như cha đẻ.
Tiếc thay, bao nhiêu công sức đó, qua những biến cố của thời cuộc, giờ đây hầu như chẳng để lại được dấu vết gì đáng kể nữa. Còn chăng chỉ là những lời truyền tụng dù sao cũng đủ khơi dậy trong anh những ký ức khó phai mờ.
Nhưng ký ức sâu sắc nhất ở chốn quê ngoại này lại thuộc về bà mẹ của anh. Nó đã trở thành như một vết thương lòng mãi mãi chẳng bao giờ hàn gắn được... Thế là bà đã không thể trọn đời chung sống với cái gia đình nhỏ bé do chính tay bà gây dựng. Cuối cùng thì bà đã phải từ bỏ cha anh, từ bỏ cả chính anh để trở về với chốn quê ngoại này, sống những ngày tàn cô độc, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Tại sao? Tại sao vậy? Câu hỏi đau đớn ấy cứ day dứt mãi trong tâm hồn anh ngay từ thời niên thiếu. Tất cả những điều anh nghe lại được ở người lớn xung quanh, mặc dầu rất nhất trí, vẫn không hề làm anh yên tâm được.
Theo người ta kể lại thì mẹ anh vốn là một bậc nữ lưu phong vận tài hoa vào bậc nhất ở chốn kinh kỳ. Từ buổi ấu thơ cho đến thời con gái, bà vẫn ở với cha, hồi ấy còn làm quan trong triều. Bà đã được hưởng một nền giáo dục hết sức chu đáo và những cuộc giao thiệp hết sức rộng rãi mà địa vị của người cha cho phép.
Điều không ai hiểu nổi là với hoàn cảnh đặc biệt như vậy, suốt cả thời kỳ con gái bà vẫn hoàn toàn thờ ơ với việc chồng con. Chẳng lẽ ở cái đất phồn hoa đô hội vào bậc nhất cả nước ấy lại không có lấy một tài tử văn nhân hay một con nhà thế phiệt trâm anh nào xứng đáng với bà? Người ta chỉ biết rằng tuổi trẻ của bà đã trôi qua trong những cuộc ngao du sơn thủy với bầu rượu túi thơ. Hầu như khắp các nơi danh lam thắng cảnh trong nước đều có in dấu chân bà.
Thế rồi bỗng nhiên chỉ qua một lần gặp gỡ, bà đã tự nguyện làm vợ một ông đồ nhà quê. ạng đồ ấy chính là cha anh, húy Văn Định, đạo hiệu Cù Xuyên tiên sinh.
Người ta đã giải thích cuộc hôn nhân không bình thường ấy như là chủ động thuộc về mẹ anh. Vốn rất tinh thông thuật số - ấy là theo lời người ta đồn đại - ngay từ thời nhà Lê còn đang cực thịnh, bà đã tiên đoán bước đường suy vong chẳng còn bao xa. Và bà đã muốn đón trước tình thế đó bằng niềm mong ước để lại cho đời một người con "quý tử". Người con ấy sẽ chẳng phải chỉ là một vị trung thần, lương tướng như trong ước mơ tầm thường của bao bà mẹ tầm thường khác. Người con ấy trong
mơ ước của bà, nếu chẳng phải là bậc đế vương, thì cũng phải là bậc thầy của thiên hạ, để lại tiếng thơm cho muôn thế hệ mai sau. Bà đã tìm đến với cha anh chỉ vì nhận thấy
ở người có tướng sinh "quý tử". Và thế là anh,
Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã sinh ra trong cuộc hôn phối kỳ lạ đó.
Nhưng rồi thực tế dường như đã không đáp ứng được niềm mong muốn của bà. Cha anh và cả bản thân anh nữa, đã càng ngày càng tỏ ra không theo kịp mẫu người lý tưởng mà bà hằng tìm kiếm. Thất vọng, bà coi đời bà đến đây như đã uổng phí hoàn toàn. Bỏ lại tất cả, bà lại ra đi với bầu rượu túi thơ, mãi mãi làm bạn với non xanh nước biếc.
Bây giờ thì trước mắt anh, còn lại chỉ là ba ngôi mộ nằm quây quần trên một khoảnh đất rộng chừng mười mẫu ruộng, nổi bên rìa làng. Hai ngôi lớn song song gần nhau, đó là mộ ông ngoại và bà ngoại anh. Và cách xa đôi chút, một ngôi nhỏ, đó là mộ mẹ anh. Ba nấm đất trơ trụi, im lìm như chẳng còn muốn nghe bất cứ một lời bình phẩm, một lời thanh minh nào của người đời, kể cả của bản thân anh.
Đến lúc này thì anh đã có đủ lý trí để vượt qua lời đồn đại ít nhiều mang tính chất sáng tạo dân dã như trên rồi. Anh đã hiểu ra thực chất của tấn bi kịch gia đình, nó đã đưa mẹ anh tới nông nỗi này. Nhưng "biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu". Thì ra chính anh, anh đã là tiêu điểm cho cuộc xung đột ngấm ngầm nhưng quyết liệt đến mức đổ vỡ ấy. Tất cả vấn
đề đều chỉ xoay quanh một việc dạy dỗ cho anh mà thôi.
Cha anh quả là một nhà nho mẫu mực của thời Hồng Đức, một nhà nho trọn đời chỉ sống với niềm tin duy nhất ở kinh sách thánh hiền, ở đạo lý trung hiếu mà ông coi là nền tảng bất di bất dịch của đạo làm người. Một ông vua thánh vời vợi ở trên như đấng chí tôn thay Trời trị nước. Người tiêu biểu bằng xương bằng thịt cho đấng chí tôn đó chính là vua Lê Thánh Tông. Quây quần xung quanh người, như các vì tinh tú quây quần quanh mặt trời, chính là các vị lương thần của triều đại, mà trong tầm mắt ông thì "nhị thập bát tú" trong hội Tao Đàn, những Trạng nguyên Lương Thế Vinh, những tiến sĩ Thân Nhân Trung, Sái Thuận... đều là những khuôn mẫu cao nhất cho kẻ hậu tiến noi theo. Cái trật tự minh quân lương tướng tuyệt vời ấy đời nào có thể thay đổi được.
Thế nhưng mẹ anh lại là một con người hoàn toàn khác. Có thể nói suốt cả thời kỳ niên thiếu bà đã được sống ngay giữa cái triều đình cụ thể mà cha anh chỉ mới có thể mường tượng qua kiến thức sách vở. Bà đã tận mắt thấy được nó chẳng có gì là lý tưởng, là vĩnh hằng như nhiều áng thơ ca của thời kỳ đó vẫn ra sức ca tụng.
Ngay cả đến những ông trạng, ông nghè, những vì tinh tú trong cái hội Tao Đàn lừng danh đó cũng chẳng có gì đáng phải mơ ước như người ta hằng mơ ước. Trong quan niệm riêng của bà thì hình như tất cả cái vốn liếng học vấn và tài năng của họ chỉ đủ cho họ thi đỗ làm quan, trở thành một cánh tay chỉ biết phục tùng và làm thơ để ca ngợi nhà vua, tâng bốc đến tận mây xanh cái trật tự do một bàn tay nhà vua nhào nặn ra hết cả.
Sau này, Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như đã tìm thấy trong thái độ quá ư khắt khe, có phần nào thiên lệch này của bà một lý do khiến bà sớm xa lánh cuộc sống ở chốn quyền môn, để rồi cuối cùng đã tự chọn lấy thân phận của một bà đồ giữa đám quê mùa.
Có điều là bà không bao giờ có thể bằng lòng với lối học cử tử đang trở nên thịnh hành thời bấy giờ. Một lối học chỉ loanh quanh với mớ từ chương, thơ phú, kinh nghĩa, văn sách... và một mớ giáo điều về đạo đức quân thần, phụ tử, phu phụ. Đối với bà, học là để hiểu nghĩa lý, để đi đến tột cùng cái lẽ biến thông, sinh hóa hết sức huyền vi và màu nhiệm của tạo hóa và của nhân sinh, để có thể tùy thời, tùy cơ mà xác định cho mình một phương châm xử thế thích hợp nhất.
Thành ra đối với cha anh thì những tên tuổi trên đây là những cái đích cuối cùng mà anh sẽ phải vươn tới. Còn đối với mẹ anh thì đó mới chỉ là những cái mốc đầu tiên anh sẽ phải vượt qua. Đối với cha anh thì đó là những mẫu mực anh phải noi theo. Còn đối với mẹ anh thì đó lại là những khuôn khổ anh cần phải phá vỡ.
Điều đáng lạ là cả cha anh và mẹ anh đều được đào luyện rất kỹ càng theo kinh điển của Tống nho, ấy thế mà mẹ anh đã có được những quan điểm khác vời của riêng mình đến thế. Trong những câu chuyện về học thuật đối với riêng anh - rất tiếc là hồi ấy anh hãy còn thơ dại quá - giữa các nhân vật chủ chốt của Nho học đời Tống, hình như bà đặc biệt chú trọng đến thầy Thiệu Ung, chẳng phải vì cuộc sống cao khiết, trọn đời không ra làm quan mặc dầu được trưng triệu nhiều lần, mà chủ yếu là vì sự nghiệp trước tác thuần triết lý của ông. Vả lại ông chính là một bậc thầy về môn thuật số, môn học mà bà ham thích.
Bà thường nhắc đi nhắc lại câu nói bất hủ của Thiệu Ung: "Tam Hoàng sự nghiệp chỉ có nghìn đời; ngũ Đế sự nghiệp chỉ có trăm đời; tam Vương sự nghiệp chỉ có mười đời; ngũ Bá sự nghiệp chỉ có một đời. Duy đức Khổng Tử mới là sự nghiệp đến vạn thế". Thì ra ở trên đời này, sự nghiệp của các bậc đế vương, dù là các bậc vua thánh, vẫn chưa phải là sự nghiệp đáng mơ ước nhất. Người ta vẫn có thể
tìm kiếm một sự nghiệp vĩ đại hơn nhiều. Đó chính là điều bà muốn đòi hỏi ở con bà.
Bà cũng thường thích thú kể cho anh nghe những mẩu chuyện về tài thuật số của Thiệu Ung. Có lần thầy đang dạo chơi trên cầu Thiên Tân thì bỗng nghe thấy tiếng chim Đỗ quyên là thứ chim chỉ có ở miền Nam Trung Quốc. Thầy đã tiên đoán ngay là Thiên Tân sắp có loạn. Một nhân vật miền Nam sẽ lên nắm quyền, nhà Tống sắp suy vong. Sự thật quả nhiên đã xảy ra đúng như điều thầy dự đoán. ại, nếu như con bà cũng có được trình độ uyên thâm về dịch lý và thuật số đến như thế!...
Cũng cần phải nói ngay rằng trong mớ ký ứ c rất rõ nét về cuộc sống gia đình từ thời thơ
ấ u, anh không hề ghi nhận một lần xung đột
gay cấn nào giữa mẹ anh và cha anh cả. Bề ngoài cái gia đình bé nhỏ ấy vẫn giữ đúng nề nếp nho phong "phu xướng, phụ tùy". Ngay cả trong lĩnh vực dạy dỗ con cái mà bà rất mực quan tâm, bà vẫn tỏ ra tôn trọng quyền gia trưởng của cha anh. Anh đâu có biết rằng cái bề ngoài êm đẹp đó đã phải trả giá bằng nghị lực tự kiềm chế ghê gớm đến mức nào, cho đến ngày niềm hy vọng đã trở thành niềm thất vọng của đời bà.
Có thể nói tất cả cái nền giáo dục vô giá mà bà đã truyền thụ cho anh, tạo thành hướng đi cho cả đời anh sau này, chỉ được tiến hành hầu như là thầm lén trong những buổi cha anh vắng nhà, hoặc bận khách.
Anh còn nhớ như in buổi sáng hôm đó, cha anh vừa mới cắp nón bước ra khỏi cổng thì mẹ anh đã gọi anh vào buồng riêng để hỏi chuyện học hành.
Cứ mỗi lần như vậy, trước khi vào chuyện, bao giờ bà cũng ôm anh vào lòng một lúc lâu và nhìn anh với một cặp mắt khó tả, cứ như muốn tìm kiếm cái gì, không phải ở bề ngoài thân hình khá cường tráng của anh, mà tận trong tim óc anh. Cái nhìn làm cho anh vừa sờ sợ, lại vừa khấp khởi chờ đợi.
Lần này thì bà hỏi anh về bài học hôm qua. Anh chỉ mong có thế! Bởi vì đó là một câu rất khó nhớ trong sách Luận Ngữ, lủng củng những tên người xa lạ. Anh còn hình dung rất rõ những bộ mặt ướt đẫm mồ hôi, trông đến thảm hại, của các bạn anh, đánh vật suốt cả một ngày mà vẫn phải ăn đòn vì không thuộc nổi. Chỉ có anh là chẳng phải vất vả mấy tí mà đã thuộc làu. Thế là anh tuôn ra một mạch cả câu văn lẫn lời giảng của cha anh: "Dật dân... i... a... Bá Di, Thúc Tề... i... a..., Ngu Trọng, Di Dật... i... a..., Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên... i... a... Tử viết: Bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân, Bá Di, Thúc Tề dư? Vị Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên giáng chí nhục thân hỹ, ngôn trúng luân hành trúng lự, kỳ tư nhi dĩ hĩ. Vị Ngu Trọng, Di Dật ẩn cư, phóng ngôn, thân
trúng thanh, phế trúng quyền. Ngã tắc dị ư thị. Vô khả, vô bất khả. Nghĩa là... i... a... Dật dân
ở đời xưa có ông Bá Di i... a... Thúc Tề chịu chết đói ở núi Khúc Dương không chịu nhụt chí nhục thân ư? Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên tuy đã nhụt chí nhục thân, nhưng nói điều gì tất cũng đúng với luân lý, làm việc gì tất cũng đúng với lương tâm, thế cũng là tốt rồi. Còn Ngu Trọng, Di Dật lánh đời ở ẩn, nói năng tự do mà không chiều theo miệng tục, dẫu chỉ toàn thân mà cũng xứng đáng với bậc thanh cao, dẫu bỏ đời mà cũng đúng phép quyền biến. Ta thì khác hẳn thế. Đối với ta thì không có cái gì là "khả", không có cái gì là "bất khả"... Anh đang hí hửng chờ đợi một lời khen của mẹ, như những lời ca ngợi về trí thông minh anh thường nhận được ở bạn, ở các bậc cha chú, thậm chí ở cả người thầy nghiêm khắc là cha anh nữa. Nhưng không! Bà chỉ mở to mắt trừng trừng nhìn anh như ngắm một vật xa lạ. Rồi bà quay mặt đi, hình như để lau một giọt nước mắt. Mãi đến khi lấy lại được bình tĩnh, bà mới siết chặt anh vào lòng, và vẫn âu yếm như không có chuyện gì xảy ra, bà lại nựng con:
(1) Có sách nói tên bà là Ngô Chi Lan, có sách lại nói là Nguyễn Hạ Huệ. Thờ hai đời vua Thánh Tông và Hiến Tông. Được vua rất khen ngợi, thường gọi là "Phù gia nữ học sĩ".
- Thế con vẹt thân yêu của mẹ, con có nhớ một đoạn văn nào cũng trong Luận Ngữ nói về con chim trĩ tìm lúc mà đỗ hay không?
Như được gỡ khỏi thế bí, anh hồ hởi đọc thêm: "Sơn lương chuy tri... i... a... sắc tư cử hỹ, tường nhi hậu tập. Tử viết: Thì tai! Thì tai! Nghĩa là i... a... Con chim trĩ mái ở trên cầu cạnh núi. Nó thấy vẻ người có ý chẳng lành bèn bay lên ngay. Nó bay liệng mấy vòng rồi sau mới đậu xuống. Khổng Tử thấy thế bèn thốt lên: Đúng thời vậy thay! Đúng thời vậy thay!"
- ấy thế đấy con ạ. Đối với thánh nhân thì không có gì vốn nó là "khả" hay "bất khả", nên hay không nên cả. Phải tùy nơi tùy lúc mà đoán định điều đó, cũng như con chim trĩ mái khôn ngoan kia biết bay lượn trên cao để quan sát tình thế rồi mới quyết định đỗ xuống hay bay đi. ại, mẹ chỉ muốn con sau này bay cao, bay cao lên mãi, trên đầu tất cả những bọn tầm thường để nhìn xa trông rộng, tùy thời mà lựa chọn con đường lập thân xử thế của mình, há chỉ phải khư khư một lẽ như mấy ông Bá Di, Thúc Tề ấy hay sao. Điều quan trọng nhất là ở chữ "Thì"...
Những buổi trò chuyện ngoài lề với mẹ như vậy bao giờ cũng để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong tâm hồn trong trẻo khát khao tìm hiểu của cậu bé Nguyễn Bỉnh Khiêm, khiến cậu
không thể nào yên tâm được với những điều mình đã học, khêu gợi trong cậu những hoài bão mênh mông vô tận về tương lai, về cuộc sống.
*
Thơ văn cũng là lĩnh vực bà hết sức quan tâm. Ngoài những mẫu mực của nước ngoài như Lý, Đỗ, Œu, Tô mà anh đã được nghe cha anh giảng giải hết sức kỹ càng, bà thường hướng anh trở về với vườn thơ dân tộc. Thơ văn thời Lý, Trần với hào khí của cả một thời dựng nước, giữ nước vĩ đại vẫn là niềm say mê bất tận đối với bà. Cả đến những áng thơ văn đầu triều Lê, cái kỳ lạ mà tiêu tao của Chuyết Am Lý Tử Tấn, cái duyên dáng mềm mại của Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân và nhất là những bài thơ khi hùng tráng bi ai, khi tinh vi tế nhị, nhưng bao giờ cũng tràn trề một niềm trung ái hết sức cao thượng của ức Trai Nguyễn Trãi cũng thường trở đi trở lại trong câu chuyện của bà.
Chỉ có thơ văn thời Hồng Đức là bà ít khi nói đến. Ngay cả thơ của một bậc nữ lưu tài danh nổi tiếng đương thời, bà phu nhân ông học sĩ Phù Thúc Hoành(1), đã được vua Lê Thánh Tông rất coi trọng, cho vời vào dạy các cung nữ, hình như bà cũng không mấy cảm tình.
(1) Tam khôi: ba danh hiệu thi đỗ cao nhất thời xưa: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.
Điều làm cho anh đôi khi đến phải ngạc nhiên là trong những câu chuyện thơ văn nhiều khi hết sức thâm thúy, tế nhị tưởng như rất khó diễn đạt, bà vẫn có được một lối giảng giải riêng, đơn giản, suôn sẻ, dễ hiểu đến không ngờ. Cứ như là muốn trực tiếp truyền vào mối cảm xúc còn rất hồn nhiên, ngây thơ của anh vậy.
Mãi về sau anh mới nhận ra được, ngoài một tâm hồn thơ hết sức dạt dào, nhạy bén, bà còn có cả một vốn liếng ngôn từ rất tự nhiên, tươi tắn mà chẳng kém phần tinh tế, rất gần với lời ăn tiếng nói, điệu ví câu hò trong dân dã. Cái đó nào phải xa lạ gì đối với anh. Ngay từ ngày còn nằm trong nôi anh đã được nghe từ miệng người mẹ và bà con lối xóm mà gia đình anh chẳng sống xa cách bao nhiêu. Thế nhưng không hiểu sao, mỗi khi nói đến chuyện thơ phú, chữ nghĩa nghiêm chỉnh thì nó lại biến đ i đâu mất cả.Thì ra những năm tháng ngao du sơn thủy
khắp đó đây, hòa mình vào trong sinh hoạt hội hè, làm ăn của dân chúng đã biến đổi bà từ một cô gái cung đình trở thành một hồn thơ hoàn toàn xa lạ với lối thơ phú cung đình vốn đ ang thịnh hành như một thứ thời thượng.
Đó sẽ là một bài học quý giá cho anh sau
này, khi anh bắt đầu đánh vật với những vần thơ Nôm mà anh không dễ gì thành công ngay được. Trong khi chờ đợi những câu chuyện của
bà, dường như ngoài cả ý thức của anh, dần dần đã dắt dẫn tâm hồn anh đi sâu mãi vào một thế giới kỳ diệu, đầy hứng thú, thế giới của thơ ca.
*
Cuối cùng thì bà đã tìm ra được một giải pháp thích hợp nhất để giải quyết mối mâu thuẫn với cha anh trong quan niệm giáo dục con bà: Gửi Nguyễn Bỉnh Khiêm lên kinh đô theo học quan Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.
Được biết ý định này, cha anh vui mừng khôn xiết. Con ông từ nay sẽ được theo học một nhà khoa bảng vào hàng tam khôi(1), lại đang làm quan to trong triều. Còn gì vinh dự hơn cho ông nữa. Phải có tiếng nói thần thế của bà, mới được như vậy chứ.
Nhưng trong thâm tâm bà lại nghĩ khác. Bà được biết họ Lương rất nổi tiếng uyên thâm về phần dịch lý, lại có được một pho sách bí truyền Thái ất thần kinh, có thể giúp được người ta suy đoán những việc xảy ra hàng trăm năm về trước cũng như hàng trăm năm về sau. Những cái đó rất cần cho đường học vấn của
(1) Đêm 27 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1522), vua Chiêu Tông lo sợ trước uy quyền quá lớn của Mạc Đăng Dung, đã cùng một số cận thần trốn ra ngoài thành về huyện Minh Nghĩa, trấn Sơn Tây, Mạc Đăng Dung liền lập em của Chiêu Tông là hoàng đệ Xuân lên ngôi, tức Lê Cung Hoàng. Sau Đăng Dung sai bắt được Chiêu Tông đưa về kinh rồi tìm cách giết đi. Cung Hoàng sau lại bị Đăng Dung ép nhường ngôi và ngầm thủ tiêu nốt, cùng với Hoàng thái hậu. con bà. Vả lại bà cũng muốn sớm buông cậu bé ra ngoài đời để tập vỗ cánh, để nhìn thấy cả bầu trời. Không phải chỉ là cái bầu trời êm ả, dường như khép kín ở chốn thôn quê mà là cả cái bầu trời đầy sóng gió, luôn luôn biến động ở chốn thị thành.
Đến đây thì bà coi trách nhiệm làm mẹ đã hoàn thành, để có thể trở lại cuộc sống riêng tự do phóng khoáng như bà đã sống hồi nào.
*
Ngần ấy cơ sở tài năng và học vấn cũng đủ dọn sẵn cho Nguyễn Bỉnh Khiêm một con đường tiến thân rộng lớn và chắc chắn: thi đỗ, làm quan, hành đạo. ở cái thời ấy dường như chẳng mấy ai phải băn khoăn về câu chuyện chọn đường. Trên đã có vua thánh thì dưới còn phải lo gì mà không thi thố được hoài bão tôi hiền?
Thế rồi đùng một cái, đúng vào cái tuổi mười lăm, mười sáu đầy hứa hẹn của anh thì thời thế biến chuyển. Uy Mục lên ngôi. Rồi Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng kế tiếp. Cứ mỗi lần thay đổi triều vua là người ta lại nghe ngóng, chờ đợi, hy vọng để rồi chẳng bao lâu lại thất vọng và lại chờ đợi.
Quả thật là đối với tuổi thanh niên sung sức và đầy khát vọng hành động ấy, chờ đợi là cả
(1) ý trong bài thơ Ký hữu nhân (gửi bạn). Những đoạn thơ văn trích dẫn không ghi xuất xứ dưới đây đều do B.B.T rút lại. Thành thật xin lỗi bạn đọc và tác giả.
một thử thách, một nỗi khổ. Đã có lúc một bài thơ bi phẫn của một trung thần triều Lê, trạng nguyên Vũ Duệ làm cho bầu máu nóng trong người anh cứ muốn sôi lên.
Đó là vào khoảng năm Mậu Dần (1516), bọn Nguyễn Kính, Nguyễn áng làm loạn, đánh sát tới kinh thành, khiến vua Lê Chiêu Tông cùng hoàng đệ Xuân phải long đong chạy khắp nơi này chốn khác. Hàng loạt trung thần như Đô ngự sử Đỗ Nhạc, phó đô ngự sử Nguyễn Dự đều bị giết hại chỉ vì trái ý Mạc Đăng Dung. Muôn dân đói khổ; quân lính thiếu lương, kinh sư bị cướp phá tan hoang, thành "nơi đánh cá và săn bắn".
Bài thơ đã nói rõ tình cảm vua tôi, tình cảm chúng dân đến như thế! Thật không cầm nước mắt được nữa. Nỗi bi phẫn của nhà thơ có lúc cũng muốn trở thành nỗi bi phẫn không thể kiềm chế nổi của chính Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thăng Long là đất hưng vương cũ, Sống mái sao không quyết một trường?
Câu hỏi kết thúc bài thơ như muốn xoáy vào chính tâm can anh, không để cho anh ngồi yên được nữa.
Kinh sách thường khuyên người quân tử phải biết tìm nước trị mà đến, tránh nước loạn mà đi. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của những thời
(1) Minh Đức: Niên hiệu triều đại Mạc Đăng Dung. Đại Chính: Niên hiệu triều Mạc Đăng Doanh.
Xuân thu, Chiến quốc xa xôi nào ấy, "nước" chẳng qua cũng chỉ là những bọn cát cứ đánh lộn nhau để tranh bá đồ vương. Còn đây, nước là nước của mình, dân là dân của mình hẳn hoi, nào phải của ai mà bỏ đi đâu?
Nhưng rồi bình tâm mà xét cho kỹ thì Chiêu Tông có còn thật sự là một ông vua của dân của nước nữa không? Hay chỉ còn là ông vua trong tay một phe cánh cường thần, để rồi cuối cùng sẽ bị làm vật hy sinh cho một ông vua khác nằm gọn trong tay Mạc Đăng Dung hơn, vua Lê Cung Hoàng(1). Ra tay phò tá một ông vua như vậy thì có khác gì chịu cúi mình xu phụ một nhóm quyền gian? Không, không đời nào! "Gươm trời nỡ để tay trần tuốt"? Không, người quân tử phải biết yêu danh tiết của mình cũng giống chim phượng hoàng biết tiếc vũ mao của nó vậy.
ại, vì tùy thời mà phải chờ thời, hiểu được đ iều đó đã là rất khó, mà giữ trọn được điều
đó nào phải dễ dàng! Biết bao lời ong tiếng ve
trong thiên hạ. Nhiều khi ông đã phải thanh minh với bạn bè: "Lâu hay chóng xét ra cũng phải tùy theo cảnh ngộ, dầu có phải chậm thành đạt thì cũng xin đừng ân hận" và "hẹn nhau sẽ có bước đi xa, làm lớn".
Sự nghiệp anh hùng cái thế của cụ ức Trai hãy còn sờ sờ ra đó. Chẳng phải sự nghiệp của một bậc trí giả cao kiến, biết chọn thời và
chờ thời hay sao? Cảnh nước mất nhà tan đã dày vò ruột gan cụ, thôi thúc cụ biết chừng nào. Thế mà những cuộc nổi dậy khá vang dội ban đầu của các vua Hậu Trần vẫn chưa đủ để cụ từ bỏ căn lều nhỏ ở góc nam thành Đông Quan để vào cuộc. Nhưng liền sau đó, chỉ mới le lói một chút ánh sáng từ phía Lam Sơn là cụ đã dấn bước lên đường...
*
Cuối cùng thì câu chuyện tất yếu phải xảy ra đã xảy ra. Mạc Đăng Dung ép vua Lê nhường ngôi, tự xưng hoàng đế, đổi niên hiệu Thống Nguyên năm thứ 6 (1527) làm Minh Đức năm thứ nhất.
Thế là lại một tình thế mới đòi hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm phải đắn đo cân nhắc.

Không có nhận xét nào: