Trong buổi “chiều mưa gió” của một vương triều.
Thủ Khoa Nghĩa là con người hiếu thảo, thương yêu vợ con; liêm chính, cương trực ở chốn quan trường. Đặc biệt ông luôn tha thiết với dân, với nước; bao giờ cũng rèn luyện & xem trọng hai chữ :làm người…
I.Tóm tắt tiểu sử:
Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm Đinh Mão 1807 (năm Gia Long thứ sáu) tại Rạch Bà Đồ, thôn Long Tuyền, phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh; nay thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.Ông mất ngày 21 tháng Giêng năm 1872 ( năm Tự Đức thứ 26), thọ 65 tuổi, an táng tại phần đất thuộc địa phận phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện nay…
Ông là một thi sĩ có tài, được liệt vào một trong bốn con rồng vàng ở Đồng Nai qua lời truyền tụng trong dân gian :“Đồng Nai có bốn rồng vàng,Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn,Nghĩa thi”.
***Bùi Hữu Nghĩa (BHN)là con ông Bùi Hữu Vị, sinh sống bằng nghề chài lưới.Ngay thời nghèo khó, ông đã nổi tiếng hiếu học, có chí cao :“Chở cá giang hồ trăm chợ đủ,Ghe che phong nguyệt bốn mùa dư” (Hạ bạc)Thuở trai trẻ, ông được gia đình cho lên ở trọ nhà ông thủ hộ Nguyễn Văn Lý, làng Mỹ Chánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, Biên Hòa, thọ giáo với thầy Nguyễn Phạm Hàm, tục gọi là Đồ Hoành. Tháng 2 năm Ất Vị (1835) BHN đậu giải nguyên tại Trường thi Gia Định và được ông Lý tỏ ý gả con là Nguyễn Thị Tồn cho, nhưng ông xin khất lại chờ thưa qua cha mẹ. Một thời gian sau, BHN được bổ làm Tri huyện phủ Phước Long tỉnh Biên Hòa và chính thức kết hôn với Nguyễn Thị Tồn.
II.Vụ án ở Láng Thé, Trà Vinh :
Là một người áo vải xuất thân nhưng trọng liêm sỉ, BHN bước chân vào quan trường trong “buổi chiều mưa gió” của một vương triều rẽ chia, bất lực…; với ít nhiều hụt hẩng.Và ông đã sớm nhận ra số lớn quan viên chỉ là “lục lục thường tài cũng một mòi”; họ luôn chực hờ thâu tóm lợi riêng, không mấy ai đáng mặt là rường cột của nước nhà:
“Đành cột không nên rường chẳng hạp,
Phải cơn nước lụt dấn thân bừa"
(Cây dừa)Hoặc:
“Rường soi cột trổ chưa nên mặt,
Cao lớn làm chi bần hỡi bần!"
(Cây bần)
Trong khi đó vận mệnh của cả dân tộc đang chơ vơ bên bờ vực:
“ Non nước hãy còn đương bấy bá,
Đất trời sao nỡ khiến lay vay."
(Ngọa bịnh ngâm thơ)
Giữa lúc đang ngán ngẫm, triều đình chuyển BHN về trấn nhậm phủ Trà Vang, một nơi rất xa kinh kỳ. Và chính những điều trái tai gai mắt ở đây đã đẩy gia đình ông vào bi kịch. Thuở ấy phủ Trà Vang (Trà Vinh) thuộc tỉnh Vĩnh Long, dưới quyền cai quản của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Là một kẻ sĩ tự vượt khó lập thân, ông tỏ ra “dị ứng” với đám quan lại dốt nát, tha hóa nhưng leo cao nhờ thân thế, nhờ luồn cúi. Tệ hơn nữa là bọn họ chỉ lo gây bè kết phái, cấu kết nhau bày vẽ hòng sách nhiễu dân lành vốn đã thừa khốn khó trong buổi loạn ly…
Một lần do tánh cương trực,BHN đã cho lính đánh đòn một cậu công tử xấc xược với ông, vốn là em vợ Bố chánh Truyện và đã chuốc lấy mối hiềm thù…
Nhắc lại chuyện cũ thời còn các chúa Nguyễn, Trà Vang đã là một địa bàn cộng cư của cả người Kinh, người Hoa nhưng đông nhất là người Khơ-me Những lúc bôn tẩu vì quân Tây Sơn rượt đuổi, Nguyễn Ánh được những người gốc Khơ-me ở đây giúp đỡ lương thực; lại có một số dân vào lính lập được công lao, nên khi thống nhất đất nước, vua Gia Long (Nguyễn Ánh ) nhớ ơn, xuống chiếu miễn thuế khai thác thủy sản cho vùng này.
Vậy mà, vào năm 1848 có một số người gốc Hoa đã lót tay bằng “phong bì” với những quan trên ở Vĩnh Long như Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện để “mua thầu” độc quyền khai thác cá tôm ở rạch Láng Thé, đẩy người dân Khơ-me vốn nghèo thêm lâm vào cảnh trắng tay.
Lẽ ra đây chỉ là một vụ việc nhỏ, có thể giải quyết một cách ôn hòa, nhưng do cái tâm luôn hướng về dân nghèo và quá bất bình trước việc làm khuất lấp, thỏa thuận ngầm của các quan trên, nên khi các hương mục Khơ-me kéo đến khiếu kiện ở dinh môn, BHN đã có bút phê vào đơn một câu gây hậu quả hết sức nghiêm trọng:
-“Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!”.
Đám dân nghèo gốc Khơ-me từ lâu bị dày xéo như giun dế, nghe lời phán xử, bèn hè nhau đến phá đập của những người gốc Hoa và hai bên xảy ra một cuộc xô xát đẫm máu làm thiệt mạng 8 người gốc Hoa.
Thế là, bọn quan tỉnh đã sẵn mối hiềm khích từ trước nên nhân cơ hội này cho bắt một số người có liên quan và bắt luôn BHN tạm giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình tố cáo ông đã kích động dân Khmer làm loạn, lạm phép giết người.Cho dù bị giá họa, bị đẩy vào ngõ cụt ; ông vẫn an nhiên với một tấm lòng “ uy vũ bất năng khuất”:
“Mù mịt bởi mây che bóng nguyệt,
Âm thầm vì trống lấp hơi còi”
(Bị giam ở Vĩnh Long)
Và khi hay tin triều đình kết tội chết cho chồng, bà Nguyễn Thị Tồn, vợ ông nhờ người em bạn dì là Quản Kiệm tìm cách tạm lùi ngày thi hành chiếu chỉ để bà có đủ thời giờ quá giang ghe bầu từ Định Tường (Tiền Giang ) vượt vô vàn hiểm nguy, sóng gió ra tận Huế đánh trống , đội đơn kêu oan . Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư bộ Lại ở triều đình. Bà Thủ khoa tìm đến tư dinh cụ Phan trình bày sự lộng quyền của các quan tỉnh Vĩnh Long, rồi nghe theo lời khuyên, bà đến Tam pháp ty gióng trống “kích cổ đăng văn” kêu oan cho chồng, nêu cao một tấm gương “Liệt phụ khả gia” như lời ban tặng của bà Từ Dụ thái hậu.
Sau sự kiện chấn động này, BHN được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, nghĩa là phải làm lính ở Vĩnh Thông (Châu Đốc), đoái công chuộc tội.Vậy là sau gần mười năm làm quan, ông vì đám quan lại tha hóa ám hại nên gần như mất sạch.
Nhưng đối với cái mất mát nơi chốn quan trường BHN không một lời than vãn, thì trước sự ra đi vĩnh viễn của người vợ hiền dám ra tận kinh đô kêu oan cho chồng, đã khiến ông đau đớn tột cùng.
Chuyện kể, sau khi cứu được chồng, bà Thủ khoa từ kinh đô về đến quê hương của bà ở Biên Hòa, vì hao tổn nhiều tâm lực, khác phong thổ nên bà lâm bịnh nặng rồi mất và được an táng tại đó. Lúc bấy giờ Thủ khoa Nghĩa đang ở biên ải xa xôi nên khi đến nơi thì việc tống táng đã xong, ông đành làm bài văn tế muộn, một cặp câu đối( một Hán, một Nôm) với những lời lẽ hết sức chân thật, thống thiết :
Cặp đối chữ Hán:
“Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ
Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu”.
(Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng).
Cặp đối chữ Nôm :
“Đất chẳng phải chồng, bao nỡ thịt xương gởi đó,
Trời mà mất vợ, thử xem gan ruột mần răng!
Trích văn tế khóc vợ :
“Phụng lìa đôi chếch mác, đừng nói sửa sang giềng mối, khi túng thiếu manh quần tấm áo, biết lấy ai mà cậy nhờ;
Gà mất mẹ chít chiu, đừng nói nhắc biểu học hành, khi lạt thèm miếng bánh đồng hàng, biết theo ai mà thỏ thẻ”.
Và một bài thi : Đề mồ nhà vợ
“Đã chồng ba năm mới đặng thăm,
Màng loan đâu vắng bặt hơi tăm
Gió đưa, đâu thấy hình dương liễu,
Đêm vắng, ai hoài tiếng sắc cầm.
Chồng nhớ vợ, lòng tơ bối rối,
Con thương mẹ, lụy ngọc tuôn dầm .
Có linh chín suối đừng xao lãng,
Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm ’’…
III.Lúc “quân tiền hiệu lực”ở Vĩnh Thông, Châu đốc:
Biên giới phía Tây Nam vào những năm sau 1835 là nơi hai dân tộc luôn va chạm nhau về quyền lợi, về đất đai…
Do vậy, lực lượng biên phòng của hai phía thường xuyên va chạm.Trong một lần đối đầu,BHN và một số lính bị bắt. Nhiều người Khơ-me ở Láng Thé (Trà Vinh) hay tin kéo đến cấp trên của đối phương, kể hết đầu đuôi vụ án ngày nào và họ còn tha thiết xin thế mạng.
Nhờ vậy, ông được phóng thích và đưa về Tịnh Biên (An Giang)…Và chính ở nơi biên cương hoang vắng này, hơn bao giờ hết, BHN càng thấm thía hai chữ “công danh”của riêng mình, rồi càng buồn bã vì nạn dân, nạn nước :
Qua Hà Âm cảm tác
Mịt mịt mây đen kéo tối sầm
Đau lòng thuở nọ chốn Hà Âm
Đống xương vô định sương phau trắng
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm
Gió trốt dật dờ nơi chiến lũy,
Đèn trời leo lét dặm u lâm
Nghĩ thương con tạo sao dời đổi
Dắng dỏi(vang động ) đêm trường tiếng dế ngâm”.
Như trong bài viết của tôi về Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa cũng sống trong thời kỳ phong kiến Việt Nam có nhiều biến cố.Nổi bật là cuộc đối đầu giữa dân tộc ta với thực dân bên ngoài. Là cuộc sống quá đổi bần hàn của người dân, vì giặc ngoại xâm, thiên tai gây mất mùa triền miên; vì nạn sưu thuế cao và bọn tham quan cường hào khiến loạn lạc xảy ra nhiều nơi ( các cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Dương, Lê văn Khôi, Nông Văn Vân, Lê Duy Cự vv..)
Trước thực tại rối ren đó, một số quan lại yêu nước như Nguyễn Tư Giản, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông …cùng những trí thức nặng lòng với non sông như Hồ Huấn Nghiệp , Nguyễn Hữu Huân, Phan văn Trị , Học Lạc vv…sinh lòng ngao ngán bởi một triều đình chỉ giỏi nghi kỵ, thâu tóm, đàn áp…nhưng lại tỏ ra hèn nhát, bất lực, không đoàn kết được dân tộc.
Cho nên, mặc dù có nhiều cuộc kháng chiến anh dũng của những Trương Định, Nguyễn Trung Trực,Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân …và một số trung thần dốc sức chống đỡ như Tôn Thất Hiệp, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu …Nhưng cuối cùng, đất nước ta cũng mất dần vào tay ngoại xâm .
IV. Tâm trạng BHN qua vài tác phẩm tiêu biểu của ông:
Có thể nói những áng thơ văn của họ Bùi cũng như nhiều kẻ sĩ yêu dân yêu nước thời kỳ vừa kể trên, ít nhiều đều bộc lộ nỗi đau xót này. Xin trích vài bài để ta cùng cảm thông những gì luôn nung nấu nơi tim ông :
Thời Cuộc
Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
Đâu để giang sơn đến thế này
Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy,
Chòm mây Ngũ quý* lấp trời bay
Hùm nương non rậm đang chờ thuở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả há lung lay.
(*2 điển tích Tàu, dùng mô tả đất nước bị chia cắt, loạn lạc )
Và:
Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba
Hẳn hoi ít mặt đền ơn nước ,
Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà
Đá sắt ôm lòng cam với trẻ
Nước non có mắt thấy cho già
Nam kì chi thiếu người trung nghĩa,
Báo quốc cần vương dễ một ta !
Rõ ràng một người sẵn có tấm lòng như vậy khó “đội đầu” hoài một triều đình như vậy. Thế nên năm 1862, khi triều đình ký hòa ước cắt ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp, ông bất mãn xin từ quan, ôm ấp chí cao khiết :
Thú câu
Danh lợi màng bao chốn cửa hầu
Thanh nhàn quen thú một nghề câu
Giăng đường chỉ mảnh dòng khơi lộng,
Thả miếng mồi thơm vực cạn sâu
Khói nước Ngũ hồ tình cả đẹp,
Gió trăng kho cũ cảnh riêng mầu
Bá vương hội cả dầu chưa gặp,
Thao lược này ai biết đặng đâu?
Về lại rạch Bà Đồ quê cũ, ông mở trường dạy học, bốc thuốc , làm thơ, soạn tuồng và giao du với những bè bạn đồng chí hướng của mình như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Tôn, Phan Liêm, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự…
Theo sách Biên Hòa sử lược, dù đã từ quan, nhưng BHN đâu nỡ ngồi nhìn nhân dân lầm than, đất nước bị giày xéo, nên ngoài mặt ông lo việc dạy học, nhưng bên trong ông thầm tham gia nhóm Văn Thân do Thủ khoa Huân lãnh đạo chống thực dân.Khi khởi nghĩa bị phá tan, ông bị giặc bắt giam vào nhà tù Vĩnh Long (1868).Sau nhờ Tôn Thọ Tường can thiệp nên ông mới được tha.
Nói gọn lại BHN là một viên quan cương trực, thương dân nghèo, bênh vực nguời hiền lành nên bị bọn quan lại biến chất trù dập. Là một nhà thơ yêu nước, ông đã dùng ngòi bút của mình mượn đề tài vịnh vật, vịnh sử để phê phán bọn bán nước , bọn xôi thịt và gửi gắm nỗi lòng mình .
Tuy đôi lúc trong thơ văn ông, cũng như nhiều nhân sĩ cùng thời không sao tránh khỏi nỗi buồn hiu hắt của một nhà nho cảm thấy bất lực trước “cổ xe vận mệnh” của non sông, của dân tộc đang trượt dài:
-…Tu mi tự đắc bá phu trưởng
Tái thượng sa đà niên hựu niên
(Vĩnh Thông đồn trấn)
Dịch nghĩa :
Kẻ mày râu lấy làm đắc chí hơn được nhiều người,
Thế mà phải lần lữa ở cửa ải hết năm này đến năm khác
-Biên châu nhất trạo tri hà vãng
Tháp thượng đàm tâm tửu mãn tôn
(Thu cảm )
Dịch nghĩa :
Con thuyền chèo một mái không biết đi đâu
Trên mui thuyền ngồi tâm sự, rượu đầy chén
-An đắc sơn hà y cựu nhật ,
Càn khôn túy lúy nhất tao ông
Dịch nghĩa :
Ước gì non sông trở lại như ngày cũ,
Ta sẽ say tràn trời đất, làm một thi ông
(Tức Sự )
Và Tự thuật :
I.
Râu tóc giục ta già,
Gan ruột khó bày ra
Mong cùng cảnh xuân cả,
Ước Bắc Đẩu chiếu qua…
II.
Mưa đổ, trời như thủng
Triều dâng nước chảy tràn
Đường đời bùn nước lấm,
Vườn tược cỏ mọc lan
Muỗi như sấm quanh gối,
Ếch tựa trống chiều ran
Tóc sương thương đời lụi,
Rượu một chén sầu tan .
(Bài thơ dài, nên chỉ chép phầndịch thơ của Nhà thơ Vũ Đình Liên )…
V.Tạm kết chuyện :
Tôi muốn chép lại mấy câu cuối cũng do tôi viết ở bài Nhớ Nguyễn Thông để làm đoạn kết cho bài viết về một nhân cách lớn phải nhỡ nhàng trong buổi nhiều mưa gió này.Bất ngờ chú Bảy tạt qua nhà có ghé mắt xem và ngỏ ý góp thơ.Vì vậy tôi chép nguyên văn mấy câu của chú ra đây; vừa để bạn đọc cảm thông tình ý của một người nuôi cá da trơn, vừa để xin kết thúc chuyện:
Đọc thơ Bùi Hữu Nghĩa, cảm tác
Người xưa làm thơ
Sẻ chia phận đời cùng cực
Để nói lên…
Mặc vua chúa buộc ràng
Thơ hôm nay
Xin đừng giống phim Hàn Quốc,
Giả dối khóc cười, thừa thãi hợp tan…
Bùi Thụy Đào Nguyên, biên soạn
*Thêm vài tư liệu liên quan :
1. BHN để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như :Kim thạch kỳ duyên (tuồng), Quan công thất phủ hạ bì, Hạ ám mộ cảnh, Văn tế vợ,Thơ khóc vợ, Tây du, Mậu tùng vv…
Riêng vở tuồng ba hồi “Kim Thạch kì duyên” mang nội dung thuật lại cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc & nàng Thạch Võ Hà . Qua đó ông ca ngợi tình yêu chung thủy, đấu tranh với cái ác, khinh ghét kẻ tham vàng bỏ ngãi,…
Cùng với các vở của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, vở tuồng này đánh dấu sự chuyển biến của tuồng VN cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.
2.Theo sách Biên Hòa sử lược:
-Sau khi vợ mất và BHN hãy còn làm lính ở Vĩnh Thông, ông có làm lễ đính ước với Lưu Thị Chỉ, con ông xã trưởng Lưu Văn Dự, người ở tại nơi đấy.Nhưng không dè khi ông được lệnh đi sang Xiêm (1857,?), bên đàng gái vội bội ước đem hôn thê của ông gã cho Đề Đinh, thế người chị tên Lưu Thị Ý (Hoán ) cho ông.Vì lẽ đó BHN soạn tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên nhằm khéo chỉ trích lòng dạ mau đổi thay của những con người này.
-Nơi đặt phần mộ của BHN bây giờ, khi xưa là vườn Vĩnh Lộc của Đốc Phủ Dương Tấn Hỹ. Và tấm bia mộ ông có khắc mấy chữ:“Đại Nam Hiển khảoGiải nguyên Bùi phủ Quân chi mộNam: Bùi Hữu Tú kĩnh lập”
-Và tại chùa Nam Nhã (nơi từng lưu dấu chân của Phan Bội Châu, Cường Ðể, Ngô Gia Tự); đình Bình Thủy (đều ở phường Bình Thủy,Tp Cần thơ) đều có ba bài vị thờ ông và hai người vợ của ông .
3.Do rạch Bình Thủy có hình tựa con rồng nằm, nên từ lâu người dân nơi đây còn gọi là Long Tuyền, đấy một làng cổ tiêu biểu ở miền tây Nam bộ. Hiện nơi này còn nhiều đồ cổ, kiến trúc xưa; và phong cảnh cây trái xum xuê, nếp sinh hoạt của dân, phảng phất ít nhiều hương vị cũ…
4. Tài liệu tham khảo :
-Hợp tuyển thơ văn VN 1858-1920.Nxb Văn Học 1984
-Theo www.sokhcn.cantho.gov.vn
-Theo Phương Huy, báo Điện tử Cần Thơ-Biên Hòa sử lược toàn biên, Lương Văn Lựu, 1973
Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét