Bà Trần Thị Dung là con gái ông Trần Lý ở thôn Liêu Gia, xã Lưu Xá, huyện Hưng Nhân (tỉnh Thái Bình ngày nay). Tháng 7 năm Kỷ Tỵ (1209), hoàng tử Sảm, con trai vua Lý Cao Tông (sau này trở thành vua Lý Huệ Tông) chạy loạn giặc Quách Bốc, về Hưng Nhân. Thấy Trần Thị Dung có nhan sắc, hoàng tử Sảm cưới làm vợ, mặc dù triều đình nhà Lý chưa đồng ý. Sau khi lấy hoàng tử nhà Lý, thế lực gia tộc Trần-Lý bắt đầu lớn mạnh. Họ tập hợp lực lượng, dẹp loạn và rước vua Lý Cao Tông về kinh đô, khôi phục chính sự cho nhà Lý. Sự kiện này là tiền đề để nhà Trần bước vào cung đình nhà Lý, mà Trần Thị Dung là nhịp cầu mở nghiệp nhà Trần. Ông Trần Lý được phong tước Minh tự. Cậu ruột là Tô Trung Từ được phong tước Điện tiền chỉ huy sứ.
Tuy nhiên con đường mở nghiệp nhà Trần cũng nhiều gian nan, trắc trở. Do việc hoàng từ Sảm tự ý lấy Trần Thị Dung, cho nên khi đã khôi phục được chính sự, vua Lý Cao Tông cho đón hoàng tử Sảm về cung đình, mà không cho đón Trần Thị Dung. Dung còn bị đưa trở lại nhà bố đẻ. Đến tháng 10 năm Canh Ngọ, vua Lý Cao Tông chết (1210), Hoàng tử Sảm chính thức lên ngôi vua (Lý Huệ Tông 1211-1224). Vua Lý Huệ Tông cho đón vợ về cung. Lúc đó Trần Tự Khánh (anh trai Dung) lại ngăn trở, lấy lý do còn loạn lạc. Mãi sau Trần Thị Dung mới chính thức được đón về cung đình nhà Lý và được lập làm nguyên phi. Ba năm sau, Trần Thị Dung lại bị giáng xuống làm ngự nữ. Tháng 6 năm Bính Tý (1216) mới được đưa lên làm phu nhân Thuận chính. Và mãi tới tháng 12 năm Bính Tý, bà mới chính thức được phong làm hoàng hậu. Mấy năm trời, một mình bà Trần Thị Dung phải vật lộn với bao gian truân, trước sự lạnh nhạt và ngược đãi của Hoàng thái hậu nhà Lý, của đám quần thần nhà Lý. May thay, vua Lý Huệ Tông rất quý vợ, triều đình nhà Lý giáng bà xuống, vua Lý Huệ Tông lại phong bà lên, bảy năm trời bà Trần Thị Dung trải qua nhiều chức phận từ ngự nữ, nguyên phi, phu nhân Thuận chính rồi mới là Hoàng hậu.
Lên ngôi hoàng hậu, lập tức cả hai người anh trai của bà: Trần Tự Khánh được phong chức Thái úy phụ chính; Trần Thừa (bố Trần Cảnh, người sau này trở thành ông vua đầu tiên của nhà Trần) được phong làm Nội thị phán thủ. Lúc này, vua Lý Huệ Tông bị trúng phong mắc chứng bệnh tâm thần, mọi công việc triều chính của nhà Lý đã trao cả vào tay Trần Tự Khánh. Việc chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần bắt đầu với việc xuất hiện Trần Thủ Độ (em họ Trần Thị Dung) trong cung đình nhà Lý. Nắm chức Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Thủ Độ có quyền lực, ông cùng với hoàng hậu Trần Thị Dung thực hiện thành công sự kiện Lý Chiêu Hoàng (Vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng), năm (1224). Ngày 25 tháng 10 năm ất Dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh.
Đánh giá sự kiện này, các sử gia đều cho rằng Trần Thủ Độ là người có công trong việc xếp đặt nhân sự, mà người cộng sự đắc lực và cực kỳ quan trọng là hoàng hậu Trần Thị Dung, mẹ đẻ của Lý Chiêu Hoàng, cô ruột của Trần Cảnh.
Ngô Sĩ Liên đã nhận định: "Trời sinh ra Linh từ (Trần Thị Dung) cốt để mở nghiệp Trần". "Nói về phần giúp đỡ nội trị cho nhà Trần, thì Linh từ là người có nhiều công to".
Với những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong kháng chiến chống Nguyên-Mông, dưới sự lãnh đạo của triều Trần, cùng với những thành tựu to lớn trong việc chấn hưng đất nước thời đại nhà Trần, rõ ràng bà Trần Thị Dung không những chỉ có công trong việc mở nghiệp nhà Trần mà còn có công lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng nước Đại Việt hùng mạnh.
nguồn: sưu tầm
_________________
Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét