Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Trần Minh Tông (1314-1329)

Niên hiệu - Ðại Khánh (1314-1323); - Khai Thái (1324-1329). Năm Giáp Dần (1314) Thái tử Mạnh, sinh năm Canh Tý (1300) lên nối ngôi lấy hiệu là Minh Tông. Minh Tông có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh.

Năm Ất Mão (1315) vua định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau. Năm Quý Hợi (1323), mở khoa thi Thái học sinh chọn người tài ra giúp nước. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên vua Minh Tông đã có dưới trướng mình những kẻ hiền thần như Ðoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Văn Ngạn, Chu Văn An giúp rập.

Tuy nhiên do quá tin vào bọn nịnh thần, vua giết oan Huệ võ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, đồng thời là Quốc trượng (bố vợ) mình. Trần Quốc Chẩn thân sinh ra Hoàng hậu Lê Thánh (vợ Minh Tông). Ông có công mấy lần đánh tan quân Chiêm Thành gây hấn. Nhưng vì lúc ấy Hoàng hậu chưa sinh Hoàng tử nên trong việc chọn Thái tử triều thần phân ra làm hai phái chủ trương trái ngược nhau: một phái do Trần Quốc Chẩn đứng đầu muốn chờ Hoàng hậu sinh con trai rồi sẽ lập Thái tử. Một phái do Văn Hiến hầu Trần Khắc Chung xin lập Hoàng tử Vượng là con một quý phi làm Thái tử. Việc chưa ngã ngũ thì Văn Hiến Hầu cho tên Trần Nhạc là đầy tớ của Trần Quốc Chẩn 100 lạng vàng, xui nó vu cáo Quốc Chẩn mưu làm phản.

Vua Minh Tông liền bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc. Nhân đó Trần Khắc Chung xin vua trừ Quốc Chẩn đi, lấy cớ : “bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Minh Tông nghe theo, không cho Quốc Chẩn ăn uống gì cả. Biết cha mình khát, Hoàng hậu Lê Thánh phải lấy áo nhúng nước mặc vào rồi vắt ra cho uống. Nhưng cuối cùng thì Quốc Chẩn cũng bị chết. Sau có người vợ lẽ của Trần Nhạc ghen với vợ cả tố cáo sự thật. Nỗi oan được giải nhưng một trung thần đã chết. Minh Tông làm vua đến năm Kỷ Tỵ (1329) thì nhường ngôi cho Thái tử Vượng, về làm Thái thượng hoàng.
BTK-Theo Quê Hương

Không có nhận xét nào: