Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Trương Định (1820 - 20/8/1864)

Hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định , là một lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp giai đoạn 1859-1864, thời vua Tự Đức.

Tiểu sử

Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Nghĩa. Quốc sử triều Nguyễn là Quốc triều chánh biên toát yếu (QTCBTY) chép rằng ...phó quản cơ Gia Định là Trương Định, người huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghãi, con quan Lãnh binh Trương Cầm... (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Lãnh binh Trương Cầm là Hữu thuỷ Vệ uý ở Gia Định thời vua Thiệu Trị.

Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam và cưới vợ là con gái một hào phú huyện Tân Hòa (Gò Công).

Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Nguyễn Tri Phương, ông đứng ra chiêu mộ dân nghèo khai hoang, lập ấp.

Năm 1854, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Quản cơ đồn điền.

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông đem nghĩa binh lên đóng ở Thuận Kiều chống trả và đã từng thắng nhiều trận ở Cây Mai, Thị Nghè...

Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, QTCBTY quyển V mục tháng 7 năm 1861 có chép ...Trương Định...mộ binh dõng đông lắm, thường cự đánh binh Pháp. Việc ấy tâu lên, Ngài [vua Tự Đức] cho thăng Quản cơ, rồi lại cho lãnh Phó lãnh binh, Trương Định đem quân đồn điền của mình phối hợp với binh của Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Kỳ Hòa.

Đại đồn thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường. Trương Định tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười kéo dài đến biên giới Campuchia.

Đầu năm 1862 Pháp chiếm Biên Hòa, QTCBTY tháng 2 năm này có viết khiến Phó lãnh binh Gia Định là Trương Định kiêm làm đầu mục mộ nghĩa. Trương Đăng Định đóng đồn tại Gò Công, thường lừa đánh quân Pháp, thân sĩ theo nhiều, quân số của ông lên tới 10.800 người.

Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký kết hòa ước với Pháp. QTCBTY viết tháng 7 năm 1862...từ khi đã định hòa ước rồi, Ngài truyền dụ Nam Kỳ nghỉ binh và đòi Trương Định ra Phú Yên. Khi ấy trong các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa những người ứng nghĩa rủ nhau đoàn kết, tôn Trương Định làm Đại đầu mục, xin cho ra đánh, Đình thần nghị rằng: "bây giờ việc Bắc Kỳ đương khẩn, mà Nam Kỳ chưa có cơ hội gì, xin giao Phan Thanh Giản hiểu dụ". Nhưng Trương Định đã lâu mà không chịu về cung chức, bị cách chức hàm. Trên thực tế, ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào và rút quân về Gò Công, được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.

Ngày 16 tháng 12 năm 1862, Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động.

Tháng 2 năm 1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công.

Ngày 26 tháng 2 năm 1863, Pháp đánh chiếm thành trì, ông thoát khỏi vòng vây và kéo quân về Biên Hòa.

Tháng 9 năm 1863, Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định.

Ngày 19 tháng 8 năm 1864 , Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Trương Định thất thủ, bị bao vây tại Tân Hòa và trọng thương. Ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn thanh danh, khí tiết vào ngày 20 tháng 8. Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp.Nguyễn Đình Chiểu viết về cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định:

Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỉ
Hơi gươm thêm rạng vẻ huỳnh môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Qua ấn "Bình Tây" đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm dâm ba chữ "điếu linh hồn"

Lăng mộ của Trương Định do vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh xây dựng năm 1864 tại Gò Công. Trên bia mộ có khắc dòng chữ: "Đại Nam an hà Lãnh binh kiêm Bình Tây Đại Tướng quân Trương công húy Định chi mộ", đã bị đục bỏ một số lần trong thời kỳ người Pháp đô hộ.

Năm 1964, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông, đã được tu bổ như đang tồn tại tới hiện nay.

Từ năm 1972 đến năm 1973 xây thêm đền thờ

Không có nhận xét nào: