Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007

Nguyễn Trường Tộ (1828 -1871) [2]

Nhà chính trị kinh bang tế thế
NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
(1828 – 1871)
Nguyễn Quý Đại



Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 tại làng Bùi Chu, xã Ðoài, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thân phụ ông Nguyễn Quốc Thư hành nghề Ðông y sĩ, xuất thân gia đình ảnh hưởng Nho giáo, theo đạo Thiên Chúa Giáo. Lên mười tuổi thân phụ dạy học chữ Hán cho đến năm 14 tuổi theo học tiếp tục với thầy tú Giai ở Bùi Ngoã.

Nguyễn Trường Tộ thông minh xuất chúng năm 1855 được Giám mục xứ Ðoài, người Pháp Gauthier, tên Việt nam là Ngô Gia Hậu, mời dạy chữ Hán cho các Giáo sĩ và ngược lại ông học tiếng Pháp và La Tinh, ảnh hưởng Văn hóa Tây- và Ðông Phương học hỏi các tư tưởng mới lạ, uyên bác sống tích cực, hoạt động có trách nhiệm với Quê hương và một lòng vì Ðạo.

Người Việt vốn sống hiền hoà trọng lễ nghiã, trung dung sinh hoạt về tôn giáo Phật, Lão, Khổng vv..dù khác nhau Tôn giáo nhưng đoàn kết, tín ngưỡng đều được tôn trọng. Các Giáo sĩ người Bồ Ðồ Nha (Portugal) vào Việt Nam truyền giáo vào khỏang năm (1522-1533) cho đến năm 1615, giáo sỉ F. Buzoni (1576-1639) người Tây Ban Nha (Spain) đến Hội An truyền đạo. Trong số nầy hai giáo sĩ Fracesco de Pina và giáo sĩ Alexandre de Rohdes (1593-1660) với sự tiếp tay của người Quảng Nam góp phần sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Người Việt đều quý trọng.

Nguyễn Trường Tộ tín đồ Thiên Chúa Giáo, trưởng thành trong giai đoạn lịch sử bị thực dân Pháp chiếm các nước Ðông Dương và Việt Nam. Từ đó triều đình vua quan Việt Nam không thích việc truyền Ðạo. Mặc dù có một số giáo sĩ Thiên Chúa giúp vua Gia Long trong thời gian khôi phục lại sơn hà, đóng góp vào sinh hoạt văn hóa Việt Nam. Ðào tạo lớp người mới Paulus Hùynh Tịnh Cuả, Petrus Trương Vĩnh Ký để lại hơn 100 tác phẩm Văn học biên khảo, có công mang hột giống, cây, hoa qủa lạ như : sầu riêng, măng cụt, mãng cầu, lôm chôm từ Pinang Malaisia về trồng tại miền Nam

Ðổi thay qua nhiều triều đại, từ đời vua Minh Mạng (1820-1840) Tự Ðức (1847-1883), Thiệu Trị (1840-1847) nghi ngờ các giáo sĩ thân Pháp đến truyền giáo tại Việt Nam. Thiên Chúa bị gọi là „ tả đạo “ lúc bấy giờ không phải chỉ riêng Vua mà quan lại, sĩ phu ít người hiểu về giáo lý của Ðạo Thiên Chúa giáo, chỉ thấy việc truyền đạo có nhiều điều trái với Nho giáo và phong tục tập quán

Giáo luật của Tòa thánh La Mã lúc bấy giờ còn qúa cứng trong khuôn khổ khó phù hợp với xã hội Việt Nam? Nguồn gốc người Việt lâu đời trong đạo Thờ cúng ông bà Tổ Tiên, mỗi nhà có bàn thờ tượng trưng như một truyền thống văn hóa của Dân tộc Việt Nam, không ai có quyền cấm đoán. Phật giáo, Nho giáo cũng du nhập từ Trung Hoa, Ấn độ hay Nhật bản nhưng luôn tôn trọng tập tục của người Việt

„ Giáo luật Thiên chúa thời đó ngăn cấm tín đồ thờ cúng tổ tiên, ngày kỵ giỗ tưởng nhớ ông bà hay làm tang lễ cho thân nhân, Giáo dân chỉ xin lễ tại nhà thờ, không được làm lễ tại nhà ? Việc thờ cúng tổ tiên là nền tảng truyền thống tinh thần xã hội và triều đình Việt nam. Nên không thể tránh được những mâu thuẫn.“

„ Kể từ đầu thập niên 60, Cộng đồng Vaticanô 2 Giáo hội Thiên chúa giáo La mã (Roma) mới có những thay đổi để phù hợp với văn hoá các nưóc trên thế giới. Riêng tại Việt nam giáo dân có thể thiết lập bàn thờ và tổ chức cúng kỵ ông bà cha mẹ tại nhà.“

Triều đình ban hành các Dụ cấm đạo, việc làm hơi „vơ đũa cả nắm“ trong giai đoạn cần phải đoàn kết Lương-Giáo cùng nhau bảo vệ độc lập, không phải ai theo Ðạo đều tiếp tay cho giặc. Giết Giáo, dân trục xuất giáo sĩ không khác gì đổ dầu thêm vào lửa. Không thống nhất kế hoạch ổn định nhân tâm, đem lại các giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử. Nhật Bản áp dụng chính sách bế môn năm 1620 vì lo ngại việc truyền đạo vào nước Nhật, nhưng họ sớm canh tân, mở cửa đón nhận văn minh thế giới, đã trở thành một cường quốc. Triều đình Việt nam bế môn toả cảng không bang giao với Tây Phương, bởi vậy không tránh được sai lầm trong chính sách cai trị, vốn từ lâu chiụ ảnh hưởng Trung Hoa. Nước Việt Nam đã gần 100 năm làm thuộc điạ, kéo dài cuộc chiến khổ đau cho dân tộc..

Quốc gia không được canh tân, chọn người đủ tài đức ra giúp nước, không cải cách sửa đổi sai lầm trong việc cai trị, độc tài độc đảng sẽ đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm . Dân chủ là môi trường phát sinh ra những tư tưởng mới, khoa học kỹ thuật phát triển đưa đời sống nhân dân tiến bộ căn bản gồm : dân sinh, dân quyền và dân trí. Các vua thời phong kiến, không tôn trọng ý kiến của Nguyễn Trường Tộ và những người yêu nước khác, để canh tân đất nước. Thế hệ chúng ta sinh sau Nguyễn Trường Tộ hơn một thế kỷ, có thể rút ra được nhựng bài học từ sự kiện lịch sử đó hay không ? Đó là một bài học lịch sử giá trị con cháu chúng ta không thể quên.

Năm 1825 tàu chiến Pháp Theles tới Ðà Nẵng. De Bougainville đem thư vua Pháp xin vào yết kiến, vua Minh Mạng không tiếp, sai đem phẩm vật biếu tặng. Năm 1825, Giáo sĩ Roggerot sang xin giảng đạo, trong lúc vua Minh Mạng cấm đạo (dụ cấm đạo lần thứ 1) Năm 1826, Pháp Hoàng sai Chaigneau sang xin đặt lãnh sự, vua Minh Mạng từ chối

Năm 1833 ra dụ cấm đạo lần thứ 2
Năm 1836 cấm đạo lần thứ 3 từ năm 1834-1838 có 7 Giáo sĩ bị giết
Năm 1838 Vua sai sứ sang Pháp, Hoàng Ðế Louis Philippe không tiếp vì Hội Truyền Giáo quốc tế phản đối những dụ cấm đạo tại Việt Nam.
Năm 1847 đại tá Lapiered sang Việt Nam yêu cầu nhà Vua bỏ lệnh cấm đạo
15-04-1847 chiến tranh bắt đầu, vua Thiệu Trị cho giết giáo dân và giáo sĩ trục xuất người Tây phương.
Tháng 7-1858 Rigault de Genouilly đem liên quân Pháp đánh hạ thành An Hải và Ðiện Hải tại Ðà Nẵng

Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Ðịnh. Vào ngày 01-11-1859, ông Page đến xin vua Tự Ðức ký Hòa ước xin ngoại giao, buôn bán và truyền đạo, nhưng các điều kiện trên đều bị từ chối. Vua Tự Ðức thông minh nhưng nhu nhược, sống đóng khung trong cung, sợ sự chống đối của quan lại, không quyết định được vận mệnh đất nước. Người Pháp lợi dụng việc cấm đạo gây chiến tranh xâm chiếm Việt Nam

Nguyễn Trường Tộ nhờ Ðạo tiến thân, là một công dân Việt Nam tài ba lỗi lạc, nhưng không được triều đình trọng dụng. Khó có cơ hội thăng tiến trong cử nghiệp, có thể lý do ông tham gia khoa thi năm 1848 (canh tý). Năm 1858 ông theo Giám mục Gauthier vào Ðà Nẵng tránh nạn „phân pháp“ đàn áp tôn giáo cấm đạo của Triều đình. Sau đó sang Pháp bằng đường thuỷ, trong thời gian lưu lại Pháp nhìn thấy được văn minh, khoa học kỷ thuật cao .

Ông bỏ nhiều thì giờ đọc sách học hỏi thu thập tinh túy, chọn lọc làm hành trang trở lại quê hương, mong đóng góp được cái hay đẹp, hữu ích xây dựng đất nước. Trên đường trở về ghé Roma tiếp kiến Ðức Giáo Hoàng, sau đó đến Hồng Kông. Về đến Sài Gòn nhiều đổi thay, Gia Ðịnh thành thất thủ tháng 02-1861 bị quân đội Pháp chiếm đóng. Ông được bổ dụng làm thông ngôn tại Sứ phủ Sài Gòn, dịch các văn bản giấy tờ làm gạch nối giữa triều đình và Pháp.

Năm 1961 ông gởi cho triều đình Huế qua đại thần Nguyễn Bá Nghi, văn bản hòa từ đề nghị triều đình nên hoà với Pháp tránh chiến tranh gây khổ đau cho dân tộc

“sự thế hiện nay chỉ có hòa, hòa thì trên có thể thuận ý trời dưới dân, có thể làm cho dân khỏi đau khổ,chấm đứt sự dòm ngó của gian nghịch „

Năm 1862 Ðô đốc Bonard mở rộng cuộc chiến, trước thái độ hung hãn hiếu chiến khát máu. Ông nhìn thấy bất mãn không cộng tác, xin thôi việc tại soái phủ Sài Gòn. Nguyễn Trường Tộ tự khép mình trong bổn phận Ðạo và Ðời, trách nhiệm cao cả người con của Chúa, và người con của dân tộc Việt Nam. Ông phục vụ cho Giáo hội và nghiên cứu viết những điều trần kế tiếp giá trị, để góp ý trong việc xây đựng đất nước, có thể nói Nguyễn Trường Tộ nhà tu, một chính trị gia lỗi lạc. Ông kêu gọi phải chán chỉnh lại học thuật „Học tức học cái chưa biết, biết để mà làm, làm tức là làm những công việc thực tế trong nước và để lãi việc làm hữu dụng đó cho đời sau nữa“. Trước đó Nguyễn Lộ Trạch viết nhiều điều trần, mong đất nước được canh tân, đến ngày nay chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng triều đình bỏ quên trong ngăn tủ nào đó.

Các điều trần dưới xã hội phong kiến, như một ánh sáng lóe lên trong đêm tối của lịch sử, mong muốn triều đình thay đổi cách cai trị, mở rộng ngoại giao, tiếp xúc với Tây phương, bỏ lối học từ chương, ngâm thơ vịnh nguyệt. Nên học hỏi văn minh tiến bộ, gởi du học sinh ra nước ngoài, mong học về khoa học kỹ thuật, hy vọng học xong về nước phát triển về kỷ nghệ, Triều đình luôn giữ chính sách bế môn tỏa cảng. Phan Thanh Giản từng than thở khi đi sứ sang Paris về nói chẳng ai nghe

Từ ngày đi sứ tới Tây-kinh
Thấy việc Âu-châu phải giật mình
Kêu tỉnh đồng-bang mau kíp bước
Hết lời năn-nỉ chẳng ai tin

Nguyễn Trưòng Tộ giống như Phan Thanh Giản viết lên nỗi lòng :

- Khi trong nước cái Ðạo bị diệt, tôi vượt sông lội biển để giữ lấy cái chân lý ở nước người , trước những người quyền quý, tôi luôn nói thận trọng, làm việc nghĩ trước suy sau nhằm giữ thể diện cho nước mình...Tôi tuy là Gíáo, nhưng dòng máu trong tôi vẫn là con Lạc cháu Hồng. Tuy nhà Vua chưa tin tôi, đình thần còn e dè tôi, song ai làm nhục đến các bậc công khanh nước ta, tôi đều biện bác ngay không một chút sợ sệt. (Trang 145 Phan thanh Giản nỗi đau trăm năm) ***

Nguyễn Trường Tộ sinh bất phùng thời, được xem như một thiên tài, kinh bang tế thế, kiến thức vượt qua các quan lại, khoa bảng trong triều đình. Vua trị vì với tính cách cha truyền con nối, nhưng tiếc thay quan lại trong triều không sáng suốt, cương trực để lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng, đem ra bàn cãi, tổ chức phương pháp làm việc. Các quan thích sống ngâm thơ vịnh nguyệt, bảo thủ yên phận, đôi khi tỏ ra ganh ghét đối với Nguyễn Trường Tộ.

Chúa Giêsu từng phán dạy

- nếu các ông mù, thì các ông đã chẳng có tội nhưng vì các ông nói „chúng tôi nhìn thấy được“, nên tội các ông vẫn còn đó. ( Ga 9, 41)

Các Quan lại trong các triều đại Việt Nam không mù, nhưng họ không sáng suốt mở mắt nhìn xa trong việc giúp Vua trị nước, để đưa Dân Tộc Việt Nam khỏi cơn nô lệ !! Nguyễn Trường Tộ viết trong di thảo số 27:

- Phàm kẻ trong thiên hạ là người không phải không có lầm lạc ban đầu, mà là người biết thay đổi hành động, biết sửa điều sai thành đúng đắn, không xấu hổ vì phải sửa đổi cái cũ, mà xấu hổ vì không làm được điều gì mới, không nhìn lui dĩ vãng mà chuyên mưu việc tương lai, không nghĩ đến bảo toàn tên tuổi riêng mình mà lo lợi ích chung cho đất nước, thế mới gọi là trí

Người Pháp muốn ký Hòa ước vì lúc nầy Pháp và Anh đang gặp các chuyện rắc rối bên Trung Hoa nên chính phủ Pháp muốn trì hoãn, để đối phó với Tàu.(1) Phó đề đốc Page tiếp tục việc thương thuyết của Rigault de Genouilly. Nhưng với nội dung không đòi đất, chỉ đòi binh phí, tự do truyền giáo, khai thương ba cửa biển và đặt trú sứ ở Huế (Quân sử tập 3 trang 82) Triều đình có hai phe hòa và chiến. Phe chủ chiến nhiều hơn vì lúc nào cũng tự hào, truyền thống đánh đuổi được ngoại xâm. Nhưng họ quên rằng lối chiến tranh cổ điển, bằng gươm giáo, súng điểu thương, bắn từng phát đạn không còn thích hợp với cuộc chiến tranh mới.

Quân đội Tây Phương được huấn luyện, vũ trang hiện đại với súng đại bác, tàu thủy chạy nhanh trên sông, biển. Nếu so sánh cân bằng, lực lượng quân đội triều đình Việt nam quá lạc hậu và yếu kém. Quân triều đình dù có lòng yêu nước tinh thần chiến đấu cao, không thể đối đầu với đội quân tinh nhuệ của liên quân Tây phương. Ðồn Chí Hòa dưới quyền chỉ huy Kinh Lược Sử Nguyễn Tri Phương, quân số hơn 12.000 quân, không thể chống cự lại với liên quân Pháp, Tây Ban Nha.

Nguyễn Trường Tộ, trong Thiên Hạ Phân Hợp Đại Thế Luận, có cái nhìn xa đối với tình hình thế giới, ông chủ trương nên hoà hơn chiến, lợi dụng kế hòa hoãn để kiện toàn quân đội, canh tân đất nước. Thay đổi chính sách đối ngoại và đối nội, cải cách Văn hoá, Kinh tế, Khoa học, khai mỏ, mở mang dân trí tiến bộ. Khi đất nước Việt nam mạnh phú cường có thể dành lại những gì đã mất.(tùy thời nhi ứng biến) thật là một diệu kế .

- Hàn công nói : biết mà không nói là kẻ bất nhân, nói mà không nói hết là kẻ bất nghiã Thế cho nên tôi ở chốn giang hồ mà lòng gởi lại lăng miếu. Tôi thật không nỡ nhìn thấy nước nhà đổ nát trăm họ lưu ly, cho nên không xét phận hèn mọn mà dám phạm vào lỗi nói ngay thẳng. Nếu cho lời tôi là khi trá hoặc là có ai xuí giục thì xin đem biểu nầy treo ở quốc môn để sau nầy làm chứng. (Ðiều trần thời sự)

Nguyễn Trường Tộ được Vua Tự Ðức mời về Huế tiếp kiến tại nhà Tả Vu, ông đệ trình nhà Vua văn bản khuyên dùng Giám mục, Linh Mục vào việc canh tân đất nước. Vua Tự Ðức đồng ý những điểm trong điều trần của Nguyễn Trường Tộ. Ngày 10-01-1867 cử Nguyễn Trường Tộ cùng Giám mục Gauthier, Lm Nguyễn Ðiều, phó tế Nguyễn Hoàn và Joannes Vị và các Quan triều đình : Nguyễn Tăng Doãn và Trần Hiếu Ðạo đáp tàu L’ orne đến cuối tháng 3 năm ấy đến Paris

Ðến Pháp lần thứ hai có cơ hội đi thăm viếng, tiếp xúc với tính cách ngoại giao. Từ đó ông thấy thêm những việc cần phải làm, đưa đất nước sớm vượt qua cảnh nghèo khổ, lạc hậu và viết điều trần „Tế cấp bát điều“ tập dày giá trị bậc nhất trong các điều trần (tác phẩm ) Nguyễn trường Tộ về văn chương và tư tưởng

1/ Sửa sang võ bị
2/ Hợp tỉnh huyện giảm quan lại
3/ Cải cách tệ lạm để cứu vãn tài chánh
4/ Chỉnh đốn học pháp
5/ Ðiều chỉnh thuế ruộng
6/ Kinh lý bờ cõi
7/ Ðiều tra dân số
8/ Lập Dục anh viện và Tế bần viện

Về nước ngày 29.02.1868 phái bộ đến Huế, tường trình kết quả trong việc ngoại giao Nguyễn trường Tộ và Giám mục Gauthier được ban thưởng nhiều phẩm vật. Trong thời gian trở về quê nhà, giúp xây cất cơ sở nhà Chung xã Ðoài. Tiếp tục viết nhiều điều trần. Triều đình muốn mời Nguyễn Trường Tộ đi với phái đoàn sang Paris xin giảng hòa, thương nghị về 6 tỉnh miền Tây. Bọn thực dân chiếm ngày 24.06.1867, Phan Thanh Giản ngày 04.08.1867 uống thuốc độc tự tử. Ông viết bản điều trần gởi “lục bộ đại thần“ xin bãi bỏ việc cử sứ bộ đi Pháp, ông nêu lý do sau :

-Xưa nay việc giảng hòa đều ở dưới THÀNH (các trận đánh) chứ không ở Kinh Ðô. Ta trong thế yếu, địch chưa gặp khó khăn ... bây giờ chính lúc triều đình nên tính kế lâu dài, dần dần nuôi dưỡng sức dân, chỉnh đốn võ bị, mở rộng giao thiệp..

Nguyễn Trường Tộ viết nhiều đề tài khác nhau về quốc kế, dân sinh.. khoa học, kinh tế, xã hội. Cải cách về chương trình học đưa ra đề nghị các khoản :

1/ Ðặt khoa nông chính
2/ Ðặt khoa thiên văn địa lý
3/ Ðặt khoa cơ xảo
4/ Ðặt khoa luật pháp

Ðề nghị mở khoa nông chính dạy những môn :

1/ Thiên văn nông nghiệp
2/ Ðịa lý học nông nghiệp
3/ Thực vật học
4/ Ðịa văn khí tượng học
5/ Tổ chức nông nghiệp trong nước

Ngoài ra, về Công nghiệp nước Việt Nam “tiền rừng bạc biển”, đó là những nguồn lợi lớn đem lại lợi ích, phú cường cho đất nước, phải khai thác với phương pháp khoa học cần máy móc hiện đại, đó về khai thác mỏ (khoáng lợi); Hải lợi cá muối ; Lâm sản cây gỗ, Thổ lợi gai, tơ lụa.

Ðiều trần của Nguyễn Trường Tộ, được các quan đại thần như Phan Thanh Giản, Trần Tiến Thành, Nguyễn Bá Nghi ghi nhận. Tường trình về triều đình, tiếc thay triều đình không ứng dụng hết vào việc canh tân đất nước. Ông không thể trình bày hết suy tư, lòng yêu nước trong thời gian còn trẻ, (tháng 7 năm 1864, ông bị tai nạn té gãy vùng xương chậu trong khi trông coi xây cất Giáo đường, từ đó bị tật đi khập khiễng), cho đến lúc bệnh thấp khớp không đi được nằm viết trên giường bệnh trước khi từ gĩa cõi đời, mất 22.11.1871 hưởng thọ 43 tuổi. Ông để lại mấy câu thơ bất hủ.

Nhật mộ tuy vô hồi chiểu xứ
Qui hoa tự hữu hướng dương thần

Tạm dịch

Vừng nhật dù không quay dọi lại
Lòng quỳ vẫn cứ hướng mà theo

Nguyễn trường Tộ ra người thiên cổ trong nước Chúa, nhưng Lịch sử không quên Nguyễn Trường Tộ đã góp công trong việc xây dựng Quê hương, được ca tụng qua những bài thơ sau: (2)

Non sông thiêng sáng đúc nên tài
Những ước ra tâm gíup giống nòi
Lấy đạo nghiã xưa làm mực thước
Ðem khoa học mới để trao đời
Bao phen xuất ngoại lòng nuôi mộng
Mấy độ trần tình lệ nhỏ rơi.
Hôn ám kể chi phường sống tạm
Nghìn thu luống để tiếc thương ai
Á Nam Trần Tuấn Khải

Nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng dành cho Nguyễn Trường Tộ một chổ đứng trong văn học Việt Nam

Vô đoạn vật sắc đáo trần ai
Mãn phúc kinh luân bát điệu tài
Tiền nghịch ngẩu thừa tuyên thất triệu
Hận nhan trường kỉ sính đo ai
Di văn thương hải châu do tại
Kì khí phong thành kiếm vĩnh mai
Thông uất giang sơn kim thị tạc
Tao hồn ứng phục quốc hồn lai

Bản dịch

Bỗng dưng vật sắc đến trần ai
Ðầy bụng kinh luân tám đẩu tài
Tiệc trước tình cờ vua triệu đến
Người sau nhớ mãi chuyện bi ai
Biển xanh ghi lại châu còn đó
Vuì kiếm phong thành có một ai?
Nghẹn uất non sông ngay chính đó
Li tao xua đuối quốc hồn lai

Nguyễn Trường Tộ là một người Việt Nam ưu tú của dân tộc, cống hiến cho Tổ Quốc Việt Nam. Ông đã phục vụ Quê hương, Dân tộc và Phụng Sự Thiên Chúa. Đó là tấm lòng yêu nước vô tư không vụ lợi, không oán trách hận thù. Thương tiếc ông mất sớm, ước mơ của ông không thực hiện được dưới thời quân chủ chuyên chế. Nhưng Nguyễn Trường Tộ thể hiện tinh thẩn của một kẻ sĩ yêu nước, trọn vẹn cho đến hơi thở cuối cùng. Thật là một tấm gương trong sáng, mọi người phải tôn kính và noi gương.


Nguyễn Quý Ðại


1/ chiến cuộc giữa Tây và Tàu chấm dứt hiệp ước Bắc kinh được ký vào ngày 25-10-1890. Ðề đốc Charner, người chỉ huy mặt trận Hòang hải của Pháp, được giữ chức Tổng tư lệnh quân đội Pháp, rảnh tay ở Tàu quyết định đánh chiếm Việt Nam
2/ Tự đìển danh nhân Việt Nam

*** theo tác giả Thanh Ðạm NxB Văn Nghệ viết „ vào khoảng năm 1868, Nguyễn trường Tộ trở về Xã Ðoài giúp xây nhà chung và trong thời gian nầy cưới người yêu Vũ Thị Cam quê Xuân Mỹ , cưới vợ có một người con tên là Nguyễn Trường Cửu „ sđd trang 274
http://khoahoc.net/baivo/nguyenquydai/nguyentruongto.htm

Không có nhận xét nào: