Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Huyền Quang

Huyền Quang
( Đệ tam tổ Trúc Lâm )
( 1254 - 1334 )
-
Tỷ Kheo Thích Chơn Thiện

I . Tiểu sử

Sư sinh năm 1254 tại làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang - đến đời Lê đổi tên là làng Vạn Tư, huyện Gia Định. Sư, tuổi đời cao hơn nhị tổ Pháp Loa 30 tuổi. Thể mạo có vẻ kỳ dị. Chí khí thì cao vời. Rất hông minh, học một tỏ mười; từ nhỏ đã học luyện văn chương. An Tâm quốc sư, đệ tử nối nghiệp tuệ đăng của sư ghi lại trong Tổ Gia Thực Lục rằng :"Sư có tài của Nhan Hồi Á thánh, nên thân phụ thân mẫu đặt tên là Tái Đạo. Năm 20 tuổi, đỗ thi Hương, liền năm sau đỗ thủ khoa thi Hội ( đỗ Khôi nguyên ).

Từ thanh niên, từ chối lập gia đình, và xin miễn thành hôn với công chúa Liễu Nữ, cháu của An Sinh Vương.

Làm quan trong triều 20 năm, từng phụng mệnh vua tiếp Bắc Sứ, nhờ vào tài ứng đối và học vấn thông thái bác lãm.

Năm 51 tuổi, 1305, xuất gia làm đệ tử quốc sư Bảo Phác, y chỉ với nhị tổ Pháp Loa - thực ra, theo sự chỉ dạy của Nhân Tông, sư hộ trì cho Pháp Loa -. Sư theo hầu sát cạnh Nhân Tông trong hai năm cuối của Nhân Tông ( cho đến năm 1308 ). Trong hai năm này, theo lệnh của Trúc Lâm nhất tổ ( hay Điều Ngự Giác Hoàng ), sư biên soạn các sách :
- Chư phẩm Kinh : tuyển tập các Kinh tinh yếu.
- Công văn tập : các bài sớ, điệp...
- Thích Khoa giáo : giáo lý căn bản của Phật học.

Điều Ngự Giác Hoàng đã ngự bút phê :"Phàm sách nào đã qua tay Huyền Quang biên soạn, hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa". Sư hiện rõ là cây bút chủ chốt của " Thiền học Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử ". Trúc Lâm Đầu Đà từng cho phép Huyền Quang ngồi trên tòa trầm hương của mình để thuyết pháp : điều nầy là hình thức Điều Ngự xác chứng khả năng pháp sư đạt đạo của Huyền Quang. Điều Ngự lập sư làm trú trì chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Tăng, Ni đến thụ giáo, học đạo với sư số đến nghìn người.

Sau khi lập An Tâm, đệ tử, làm trú trì chùa Hoa Yên, sư về an nghĩ ở Côn Sơn - không rõ thời gian. Sư tịch ở Côn Sơn năm 1334.
( Theo VNPGSL, Nguyễn Lang, từ tr. 426-429 )

II. Huyền Quang, một thiền sư

Văn học Việt Nam và Văn học Phật giáo Việt Nam đã hưng thịnh từ đầu đời Lý qua đời Trần cho đến Trần Anh Tông, đặc biệt dưới thời Trần Nhân Tông với những bậc trí tuệ lỗi lạc như Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Huyền Qrang, Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương), v.v... hẳn là có nhiều công trình sáng tác, biên khảo rất giá trị, phong phú. Chỉ tiếc vì sự xâm lược của quân nhà Minh vào thời Hồ Quý Ly đã cố ý hủy diệt nền văn hoá của ta : phá hủy và lấy về Trung Quốc các công trình văn học, sử học, nên nay tài liệu văn, sử phát hiện quá ít ỏi. Về thiền sư Huyền Quang, những sáng tác và san định của sư cũng bị thất lạc hầu hết : phải nói rằng những gì bị thất lạc là những gì quý giá, còn quý giá hơn những gì hiện có, bởi lẽ quân Minh - và cả các đoàn xâm lược khác - luôn luôn muốn đốt cháy hết những gì quý giá nhất của Việt Nam.

Dù vậy, trong vài sử liệu còn sót lại, ngày nay ta vẫn có thể hình dung ra trí tuệ và tài văn bút của sư.

Về sự nghiêm túc chứng đắc giải thoát của thiền sư Tam tổ Trúc Lâm, ta có thể khảo sát qua mẩu đối thoại giữa sư và nhị tổ Pháp Loa trước ngày nhị tổ viên tịch, và qua một vài sáng tác thi ca khác.

Sư Huyền Quang thăm hỏi nhị tổ:

- Thức với ngủ đã là một chưa ?
- Pháp Loa đáp : là một, cũng như khi không có bệnh.
- Vậy thì bệnh và không bệnh đã là một chưa ?
- Bệnh cũng chẳng can gì đến kẻ khác, không bệnh cũng chẳng can gì đến kẻ khác.
- Vậy thì tiếng nói nhắm vào cái gì ?
- Thì gió thổi trong cây cứ mặc nó chứ.
- Tiếng gió thổi trong cây không làm cho người ta mê hoặc, nhưng lời nói mê trong giấc ngủ lại có thể làm mê hoặc người, Huyền Quang tiếp.
- Kẻ si mê cũng có thể bị tiếng gió trong cây làm mê hoặc lắm chứ, Pháp Loa nói.
- Chỉ có một cái tật đó mà đến chết cũng không chừa, Huyền Quang nói.
- Pháp Loa liền dùng chân hất nhẹ Huyền Quang và không nói gì. Huyền Quang lui ra.

Qua một mẩu đối thoại ấy, Huyền Quang hẳn là chưa đón nhận được cái thực sự giải thoát khỏi tưởng tự ngã toát ra từ ngôn ngữ của Pháp Loa. Huyền Quang lui ra mà lòng vẫn cứ tần ngần. Phần Pháp Loa thì sau lời nói trách nhẹ sau cùng của Huyền Quang rằng :" Chỉ có cái tật đó mà đến chết cũng không chừa", thì tự biết có lẽ lòng mình còn có cái gì cần tự phản tỉnh, dứt bỏ.

Quả thực, qua lời thoại, ta nghe lời đáp của Pháp Loa rặt hơi thông minh của lập luận phân biệt hữu tướng. Đây đúng là cái "đuôi nòng nọc hữu niệm" chưa kịp rụng, và đây đúng là lý do của cảm giác tần ngần của sư Huyền Quang về cái điều mà sư gọi là "chỉ có cái tật đó mà đến chết cũng không chừa".

Ba tuần lễ sau, khi bệnh của Pháp Loa trở nên trầm trọng, sư Huyền Quang trở lại viếng người ở chùa Quỳnh Lâm, tối mồng 3 tháng 3, sư lại hỏi:

- Xưa nay các bậc đạt ngộ khi giờ phút đến, muốn ở thì ở, muốn đi thì đi.
- Pháp Loa bảo : đi hay ở đều không can hệ chi tới ai.
( lần nầy có lẽ giọng nói với âm sắc tự tại )
- Huyền Quang tiếp : Vậy thì sao ?
- Pháp Loa đáp : thì tùy xứ tát-bà-ha !
( có lẽvới đôi môi và đôi mắt mỉm cười )
Liền tiếp, môn đệ vào xin kệ thị tịch. Pháp Loa viết xong bài kệ bốn câu, buông bút và tịch.
( VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.435-436 )

Tại đây, sư Huyền quang cũng nghe lòng mình thanh thản, vơi nhẹ. Cái âm thanh "tùy xứ tát-bà-ha" nghe như có âm hưởng "sở tác dĩ biện"(các việc cần làm đã làm xong) của một A-la-hán tròn phạm hạnh.

Chẳng phải chỉ có người ra đi là "tùy xứ tát-bà-ha" mà người ở lại, sư Huyền Quang, cũng tùy xứ tát-bà-ha. Sau đó, sư lập An Tâm lên làm trú trì chùa Hoa Yên, trở về nghỉ tại Côn Sơn, vừa dạy điệu, vừa khua chuông, vừa thổi sáo trong cảnh đạm bạc, lắng tịnh, tự tại phiêu du:

" Củi hết, lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo
Thiên hạ cười ta cứ mặc tình "

( " Ổi dư cốt đốt độc hoàng hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ ba xuy thương hòa mộc đạc
Tùng giao nhân tiếu lão tăng mang.")
( VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.440 )

Sự đạt đạo của sư để lại ấn tượng rõ nét hơn qua bài kệ:

" Thành ngăn tục lụy trần không vướng
Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm
Quán rõ thị phi bình đẳng tướng
Ma cung, Phật quốc cũng ngồi chung "

( " Vạn duyên bất nhiễu thành già tục
Bán điểm vô ưu, nhãn phóng khoan
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan" )
( VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.446 )

Hai dòng kệ đầu là nói lên sự sư đã hành ổn nền tảng về Giới học và Định học, đã nhiếp phục thuần thục các cảm thọ ( nên vô ưu ).

Dòng kệ thứ ba "Tham thấu thị phi bình đẳng tướng" là đã trải nghiệm xong công phu thiền quán thấy rõ "thị" là pháp tánh vô ngã tánh, và "phi" cũng là pháp tánh vô ngã tánh. Cả hai đều là thực tại, có cùng thực tại tánh vô ngã. Đó cũng là Phật tánh, nên ma cung với Phật quốc chẳng phải là hai đầu cách biệt nữa. Đây là sự tỏ ngộ, chứng đắc rất truyền thống, từ thời đức Thế Tôn tại thế.

Tam tổ Huyền Quang, sinh thời là một người thông tuệ, đã qua hơn 50 năm trải nghiệm các hư vọng và tỉnh thức, qua hơn 20 năm nhắm đích giải thoát thẳng tiến, thì "tùy xứ tát-bà-ha" là sự thành tựu tất yếu!

III. Huyền Quang, một nhà thơ

III.1 : Vần thơ Hoa Yên

Thiền sư Huyền quang,lúc còn tại chức ở triều đình thì sống độc thân, không vướng bận chuyện gia thất, ít vướng vào chuyện tục lụy, đục trong ở đời. Lúc xuất gia thì ở cạnh Nhân Tông trang nghiêm thanh tịnh. Tâm tình sư hòa hợp với núi rừng, thiên nhiên. Hãy lắng nghe những dòng Phú nôm của sư vịnh chùa Hoa Yên:

" Buông niềm trần tục
Náu tới Hoa Yên
Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy
Gió tiên đưa đòi bước thần tiên
Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới
Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên
Đất phúc địa nhận xem luống kể - Kể bao nhiêu dư trăm phúc địa
Trời thiền thiên hiệp thâu thửa lạ - Lạ hơn 36 thiền thiên
Thấy đây:
Đất tựa vàng lên
Cảnh bằng ngọc đúc
Mây năm thức che phủ đền Nghiêu
Non nghìn tầng quanh co đường Thục
La đá tầng thê dốc, một hòn ôm vịn một hòn
Dòng nước chảy làn sâu, đòi khúc những dò đòi khúc
Cỏ chiều gió lướt dạm vui vui
Non tạnh mưa dầm màu thúc thúc
Ngàn cây phi cánh Phượng, vườn thượng uyển đóa tốt rờn rờn
Hang nước tưới Hàm Rồng, nhả li châu hột san mục mục
Nhựa đông hổ phách, sáng khắp rừng thông
Da điểm đồi mồi, đổng hòa vườn trúc
Gác vẽ tiếng bồ lao thốc, gió vật đoành đoành
Điện ngọc phiến bối diệp che, mưa tuôn túc túc
Cảnh tốt hòa lành
Đồ tựa vẽ tranh
Chỉn ấy Trời thiêng mở khéo
Nhèn chi vua Bụt tu hành
Hồ sen trương tán lục
Suối trúc bấm đàn tranh
Ngự sử mai hai hàng chầu rập
Trượng phu tùng mấy chạnh phò oanh
Phỉ thúy sắp hai hàng loan phượng
Tử vi bày liệt vị công khanh
Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng
Vượn bồng con kề cửa nghe kinh
Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh...
( Theo VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.448-450 )

Bài phú chữ Nôm trên là một bài tả cảnh chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Ngày nay khách hành hương dễ dàng đến viếng và ngoạn cảnh. Cảnh nay vẫn còn đẹp, nhưng hẳn là kém hơn ngày ấy, thời sư Huyền Quang nhiều. Dù vậy, khách vẫn có thể từ cảnh núi non hiện tại mà đi vào cảm xúc của bài phú.

Cảm xúc đầu tiên khi đặt chân đến chùa trên núi ( từ chùa Đồng ) thì hầu như mọi khách đều nghe thoát tục lạ, thanh thoát trong sáng lạ! Phương chi, từ sơ tổ đến tam tổ Trúc Lâm đều rời đế đô đến ngự ở Hoa Yên: đấy là sự kiện cả thân lẫn tâm của các tổ đã rời tục lụy, thực sự rời tục lụy.

Qua một đoạn đường dài dốc núi quanh co, đến cổng chùa HoaYên là khách đã cảm nhận sự "rã rời" của thân ngũ ấm. Cứ đường núi lên, xuống nầy lập lại trong chừng một tuần lễ là hành giả thành tựu được "Niệm giác chi" rời bỏ hết thảy cấu uế của tâm - những ham muốn trần tục, sân, hận, phẫn, xan tham, tật đố, ngã mạn cống cao,..., điều mà sư Huyền Quang bảo là:

" Buông niềm trần tục
Náu tới Hoa Yên "

hay :

" Thành ngăn tục lụy trần không vướng
Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm "

Với tâm thanh thản, khách phóng tầm nhìn quanh vùng, sẽ thấy sự hoà điệu của thiên nhiên. Ở đây, người, vật, chim chóc, cỏ cây, hoa lá chung sống an lành. Tiếng chim hót như là niềm vui của núi đồi. Tiếng suối reo như là" khúc đàn hội ngộ". Gió vờn cây lá như những tiếng thì thào đàm đạo. Toàn cảnh Hoa Yên như một Pháp hội thường thuyết mà khách có thể lắng nghe.

Nếu ở triều đình có các quan chầu hầu mỗi ngày, thì ở Hoa Yên quanh năm dãy tùng, mai trang nghiêm đứng lặng che mát lối đi, chim vào chùa dâng hoa, vượn ghé thất nghe đạo. Một cảnh Thăng Long trần tục, một cảnh Yên Tử thần tiên. Ở triều, thì Điều Ngự bủa đức cho muôn dân, ở núi, thì Giác Hoàng rãi tâm từ cho ngàn sao mây, nước cho trăng sáng, gió thanh :

" Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu mây nhè nhẹ
Kề song thưa thầy ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh..."

Lòng ấy thì tương hợp cảnh ấy:

" Chỉn ấy trời thiêng mở khéo
Nhèn chi vua Bụt tu hành "

Ở Thăng Long thì có mái lưu ly, thành lũy bao che, nơi Yên Tử thì mây ngũ sắc vần vũ, núi biếc non xanh vây bọc:

" Mây năm thức che phủ đền Nghiêu
Non nghìn tầng quanh co đường Thục "

Đấy là hai cảnh của một quê mà ngòi bút của Huyền Quang khéo vẽ. Bút pháp của người khiến cho núi non Yên Tử thêm đẹp thêm xinh, đầy tình đời ý đạo: Ở Yên Tử vẫn thường vẳng lên câu nói "bệ hạ hãy trở về triều đình vừa tu, vừa lo việc triều chính", "bệ hạ hãy lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình, lấy cái muốn của thiên hạ làm cái muốn của mình", vẫn hiện diện nhân cách hai lần oai hùng đại thắng quân Nguyên Mông; ở Thăng Long vẫn lồng bóng hình thiền định của Yên Tử, vẫn vọng tiếng sáo Côn Sơn thổi hồn thơ vào văn chương, thi ca nước Việt; đất Hoa Yên như vàng dâng xứ sở, cảnh Hoa Yên tựa ngọc tặng quê hương. Ngòi bút của Huyền Quang quả đã thu gom đủ "chiếc dép của Đạt Ma", "chiếc gậy của Đức Sơn" và "tiếng hét của Lâm Tế", ngoại nhân sao có thể xoá hết sự thật lịch sử nầy? (!)
III. 2 : Vần thu cảm

Những bài thơ của thiền sư Huyền Quang ghi lại không còn bao nhiêu. Trong số các bài còn lại hiếm hoi ấy thì đã có ba bài : Vịnh Hoa Cúc, Đi Thuyền và Đầu Thu được cảm tác vào tiết thu và về tiết thu như :

- " Năm, năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà..."
( Vịnh Hoa Cúc )
( " Niên niên hòa lộ hướng đương khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài " )
( VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.442-443 )

- " Hương đêm mát dịu, bình phong lạnh
Xào xạc thu sang lá động cành... "
( Đầu Thu )
( " Dạ khí phân phương nhập họa bình
Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh " )
( VNPGSL, ibid., tr.443-444 )

- " Mênh mông theo gió con thuyền nhỏ
Thu sáng ngời xanh bóng nước, cây..." )
( Đi Thuyền )
( " Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang..." )
( VNPGSL, ibid., tr.444 )

Nhớ lại, sư Huyền Quang xuất gia năm 51 tuổi, là tuổi đầu thu của đời người, tuổi khởi đầu giai đoạn đi vào lão suy ( trong 4 giai đoạn thành, trú, hoại, không ). Tiết thu cũng là đầu mùa lá đỗ ( rụng ). Đấy là thời điểm nhà thơ thiền sư có nhiều xúc cảm, và tâm thức có nhiều chuyển động. Người viết ngưỡng mộ đọc lại từng dòng thơ và lắng nghe từng cảm xúc của người, dù biết rằng rất khó mà tìm gặp cảm xúc ấy :

Bài 1 : Đi Thuyền

" Mênh mông theo gió con thuyền nhỏ
Thu sáng ngời xanh bóng nước, cây
Tiếng sáo thôn chài, lau lách vọng
Trăng lặn lòng sông, sương trắng đầy "

( " Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương ")

Cảnh thuyền đi của nhà thơ là cảnh trăng lặn vào lúc tản sáng, khi mà cây đã soi bóng trên dòng nước giữa trời Thu sáng. Chiếc thuyền như trôi theo gió giữa dòng nước mênh mông, cạnh thôn chài; hẳn là thuyền đi trên một con sông lớn, rộng. Giữa cảnh rạng đông ấy có tiếng sáo trong trẻo vọng lại, vừa yên tỉnh vừa sống động. Người đi nhìn hình ảnh trăng lặn giữa lòng sông, chung quanh mình đầy những sương mai; trước mắt sắp xuất hiện một bình minh rạng rỡ. Đấy là toàn bộ cảm xúc.

Hình ảnh trăng lặn lòng sông trong thiền thi - "thủy nguyệt" - là sự thực của vạn hữu mà con người đang xúc tiếp , đón nhận: nó hiện hữu như trăng trong nước - mà không phải là mảnh trăng thật - như có như không. Đây là ý nghĩa của sự chấp thủ Hữu, Không ở đời, "Hữu Không như thủy nguyệt", ( Có, Không như trăng dưới nước) mà không phải là thật tướng vô tướng. Cái thấy Hữu, Không ấy đầy sương mù của vọng tưởng như là chiếc thuyền đi đang chở "sương trắng đầy" rất thơ và rất đạo! Thiên hạ thì cứ việc chấp Hữu, Không, thị, phi, còn thiền sư thì thanh thản ngắm cảnh không dính mắc, và lắng nghe tiếng sáo vi-vu từ thôn chài vọng lại. Con
thuyền ấy và tâm thức ấy tiếp tục đi vào bình minh của tạo vật và bình minh của giải thoát.

Thiền sư Huyền Quang, qua cảm tác "Thuyền Đi", đã nói đạo bằng thơ, rất nhẹ!

Bài 2 : Đầu Thu

" Hương đêm mát dịu, bình phong lạnh
Xào xạc thu sang lá động cành
Trúc đường thong thả, hương vừa đốt
Cành cây giăng võng lọt trăng thanh "
( " Dạ khí phân phương nhập họa bình
Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh
Trúc đường vong thích hương sơ tẫn
Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh." )
(VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.443-444 )

Cảnh đầu thu vào đêm, cành cây như giăng võng đón trăng, nghe lá đổ báo mùa thu đang đến, nhìn ánh trăng lọt qua kẻ lá. Nhà thơ sống không bận tâm đến thời gian : nghe lá đổ thì biết là thu đến; thấy hoa cúc nở thì nhận ra "tiết trùng dương; lòng yên tỉnh nghe rõ cả đến hương đêm; ghi nhận cảnh vật với tâm xả như là trẻ thơ : mũi thì nghe hương trúc đường và hương đêm, tai thì nghe tiếng lá rơi xào xạc, mắt thì nhìn ánh trăng xuyên qua kẻ lá. Cảnh ấy đến báo với nhà thơ là thu đến. Thế thôi. Đấy là công việc của các căn các trần, còn nhà thơ thì như là tỉnh giác ở đằng sau cảnh ấy và hầu như tự nhũ: " hãy để cho cái thấy là cái thấy, cái nghe là cái nghe, và cái thức tri là cái thức tri"! Đây là nghệ thuật sống của một thiền giả để lại kinh nghiệm thiền trong cảm tác "Đầu Thu".

Bài 3 : Vịnh Hoa Cúc

" Đường nhà Tưởng Hủ tre reo gió
Vườn cảnh Tây Hồ đẹp nét mai
Nghĩa khí chẳng đồng, tình chẳng hợp
Cúc hoa nở sáng khắp vườn ai.

Ngàn sông không đủ thấm lòng già
Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa
Đầu bạc ngâm hoài vần chưa ổn
Thấy hoa cúc nở rộn lòng ta.

Quên thân quên thế thảy đều quên
Thiền tọa giờ lâu lạnh thấm giường
Trên núi năm tàn không có lịch
Thấy hoa cúc nở: tiết trùng dương.

Năm, năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc giắt đầy hoa.

Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đoá hoa vàng chợt nở tung.

Phương chi xuân sắc, trắng hay vàng
Thời tiết tùy loài hợp sắc hương
Khi mọi loài hoa rơi chật đất
Dậu Đông hoa Cúc vẫn chưa tàn."

( " Tùng thanh Trưởng Hủ tiên sinh kính
Mai cảnh Tây Hồ xử sĩ gia
Nghĩa khí bất đồng nan cẩu hợp
Cố viên xứ xứ thổ hoàng hoa.

Thiên giang vô mộng cán khô trường
Bách vịnh mai hoa nhượng hảo trang
Lão khứ sầu ngâm hồn vị ổn
Thi biều thực vị cúc hoa mang.

Vương thân vương thế dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.

Niên niên hòa lộ hướng đương khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai.

Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phần hương độc tọa tự vong âu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.

Xuân lai hoàng bạch các phương phi
Ái diễm liên hương diệc tự thì
Biến giới phồn hoa toàn trụy địa
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly"

( VNPGSL, Nguyễn Lang,..., tr.441-443 )

Trên thi đàn Việt Nam, sư Huyền Quang được biết đến như là nhà thơ của hoa Cúc, từ bài Vịnh "Hoa Cúc" bất hủ của người. Người gọi hoa Cúc là loại hoa huyền diệu : đấy là cảm nhận riêng của nhà thơ vừa là thiền sư lỗi lạc của triều Trần. Thật khó cho ta có được cảm xúc đặc biệt ấy!

Hai nhà xử sĩ Tưởng Hủ và Tây Hồ thì đắm trước riêng trúc và mai, tính chẳng hợp: đó là sự dính mắc.

Nhà sư tu hành thì chuộng hoa Cúc, trồng đầy một vườn Cúc, nhưng người với hoa tự tại không vướng mắc. Cúc thì có cả trăm loại nhiều hương sắc - đặc biệt là những màu vàng cúc ly dục, thoát trần - hiện diện vào thời điểm mà trăm loài hoa khác lụi tàn. Bấy giờ chỉ có riêng Cúc nổi bật sự tồn sinh thanh thoát. Thế nên nhà thiền thơ bảo:

" Ngàn sông không đủ thấm lòng già
Bách vịnh mai hoa vẫn kém xa
Đầu bạc ngâm hoài vần chưa ổn
Thấy hoa Cúc nở rộn lòng ta."

Nhà thơ cảm thấy trong các loài hoa khác, gồm hoa mai, dù thường được các thi nhân tán vịnh, vẫn còn có cái gì đó khiếm khuyết - nên ngâm hoài mà vẫn vẫn chưa ổn -, không nghe ở đó có tiếng nói vô sinh. Giữa lúc đó, vào tiết Thu heo heo lạnh thì hoa Cúc bừng nở sáng lên như là đứng vững với thời gian, bất diệt vô sinh, khiến lòng sư vui rộn. Hãy xem thiền sư già, Huyền Quang, ngắm hoa cúc nở:

" Người ở trên lầu, hoa dưới sân
Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt
Một đóa hoa vàng chợt nở tung "

Nhà thơ đã đốt trầm và một mình không chút ưu lự ngắm nhìn hoa cúc dưới sân. Hương trầm là hương thiền khiến tâm người lắng đọng tập chú nhìn hoa đến độ chỉ có sự nhìn có mặt - chủ thể nhập vào đối tượng -; giữa khi ấy, hoa cúc bỗng bung cánh nở, như là tâm thức người nhìn cũng bùng ra bừng ngộ. Đây là điều diệu kỳ của cái nhìn ngắm hoa, rất thiền mà sư Huyền Quang thân chứng và để lại kinh nghiệm trên thi đàn.

Vấn đề là ngắm hoa có nghệ thuật mới thấy được lẽ huyền diệu biểu hiện nơi hoa, mà không phải là ngắt hoa để cắm vào bình, hay để cài trên mái tóc - làm thế nầy thì chỉ còn có thể thấy sự chết chóc, tàn lụi. Thế nên nhà thơ vô ưu mới mỉm cười :

" Năm, năm nở đúng tiết thu qua
Gió dịu trăng thanh ý mặn mà
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc giắt đầy hoa "

Sư Huyền Quang đã không giới thiệu trí tuệ và sự tỏ ngộ bằng ngôn ngữ kinh viện, không lập luận, không nói triết lý, mà bằng ngôn ngữ thi ca, hình ảnh thi ca. Ở sư cho thấy rằng cái nhìn của bất cứ một thiền sư nào cũng là cái nhìn của một đại thi hào, và cái nhìn của một đại thi hào thì có thể là cái nhìn đạt đạo của một thiền sư. Chỉ thêm vào ngôn ngữ thi ca, thì bất cứ thiền sư nào cũng là nhà thơ lớn cả, và Việt Nam sẽ có vô số thơ, văn rất thiền và rất tuệ, nền văn học Việt Nam sẽ là "vô tỉ"!

Đấy là nét thơ rất riêng, rất Phật giáo mà Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang đã để lại cho hậu thế.


IV. Kết luận

Mỗi vị thiền sư lỗi lạc dưới thời Lý, Trần của Việt Nam mang một nét đặc kỳ. Nét đặc kỳ của thiền sư Huyền Quang làm chói lọi thêm rừng thiền Yên Tử.

Tuổi trẻ, người rất đổi thông minh, chuyên đường học vấn. Năm 21 tuổi đã đỗ Khôi nguyên. Trải qua 30 năm phục vụ đất nước, kiến thức và kinh nghiệm sống hiểu mình hiểu đời trở nên rất cao vời. Năm 51 tuổi, giác tỉnh lẽ đạo; xuất gia trong hơn 25 năm, nghiên cứu Phật học, hành thiền và sáng tác các công trình Phật học cho đến thời điểm liễu ngộ, kế thừa ngôi vị tổ sư Trúc Lâm Yên Tử, thứ ba. Người trở thành một thiền sư lỗi lạc, đa văn, sành văn học, giỏi thi ca, và là một giáo thọ sư rất mô phạm.

Kệ thiền biểu hiện sự chứng đạo của Người được chuyển thành những dòng thơ nhẹ nhàng, giản dị :

" Thấy được thi phi cùng một tướng,
Ma cung, Phật quốc cũng ngồi chung "

Người đã thay thế những công án và những thiền ngữ xa xưa bằng những lời thơ bình dị, dễ dàng như là những dòng văn tả cảnh - qua bài Vịnh Hoa Cúc, Đầu Thu, Đi Thuyền,... -

Người tự tại mà nhẹ nhàng đầy nét văn nhân ,thi sĩ.

Người thay chiếc gậy thiền của Đức Sơn bằng chiếc sáo tre rất Việt, và thay tiếng hét của Lâm Tế bằng ánh mắt ôn nhu và nụ cười hiền hậu như đã diễn đạt khi người nói :

- " Đến chết mà cái nết cũng không chừa " ( với Pháp Loa )

- " Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về, mái tóc giắt đầy hoa " ( với phật tử đến chùa )

Người kính cẩn trước pháp giới bằng phong thái hồn nhiên :
( trong bài Hoa Cúc và Đầu Thu đều có đốt trầm hương )

" Vô ưu ngồi ngắm, khói trầm xông
Hồn nhiên người với hoa vô biệt "
( " Phần hương độc tọa tự vong âu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh " )

Người rất sáng giá mà lặng lẽ khiêm tốn :

" Đức bạc thẹn mình nối Tổ Đăng
Học theo Hàn, Thập dứt đa đoan
Hãy đi với bạn về non vắng
Rừng núi bao quanh mấy vạn từng "

( " Đức bạc thường tàm kế tổ đăng
Không giao Hàn, Thập khởi oan tăng
Tranh như trục bạn quy sơn khứ
Điệp chứng trùng loan vạn vạn tằng " )
( VNPGSL, Nguyễn Lang, ..., tr.439)


Và lặng lẽ về thiền tịnh ở Côn Sơn bên cạnh một tiểu đồng và một cây sáo, khung cảnh đơn sơ:

" Củi hết, lò còn vương khói nhẹ
Sơn đồng hỏi nghĩa một chương kinh
Tay cầm dùi mõ, tay nâng sáo..."

( " Ổi dư cốt đốt độc hoàng hương
Khẩu đáp sơn đồng vấn đoản chương
Thủ bả xuy thương hòa mộc đạc..."
( VNPGSL,...,tr. 440 )

Đến ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất, 1334, người viên tịch. Những vần thiền thi của người đã là những bài kệ giác và là kệ thị tịch không riêng để lại cho các thiền giả, mà còn để lại cho toàn dân Việt trong nền văn học Việt Nam./.

Tỷ Kheo Thích Chơn Thiện
Trúc Lâm Thiền Viện-Paris
Tháng 14/4/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét