Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007

Nguyễn Du

Tại phường Bích Câu thuộc kinh đô Thăng Long, tòa lâu đài của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đứng oai nghiêm, sừng sững. Trước con mắt mọi người, đó là hiện thân của một dòng họ đang nắm trong tay quyền uy nghiêng thiên hạ.

Thuở ấy, vào buổi mạt kỳ nhà Lê, một thời vùng dậy của lớp người nghèo khổ, bị chà đạp đến mức không thể chịu được vì chính sách hà khắc ngu tối của lũ vua chúa tham lam, đốùn hèn và bạo ngược. Trong cung vua, phủ chúa, nơi thế gia lệnh tộc, chẳng phải vì đói nghèo mà vì tranh quyền cướp vị cũng lao đao nghiêng ngửa. Ấy thế mà tại phường Bích Câu, trong bốn bức tường hoa, cuộc sống hào hoa đài các vẫn diễn ra êm ả giữa dinh thự của Nguyễn Nghiễm.

Tại đây vào năm Ất Dậu, Cảnh Hưng thứ hai mươi sáu, triều Lê Hiến Tông, một cậu bé khôi ngô đĩnh ngộ cất tiếng chào đời. Cậu bé ấy chính là Nguyễn Du.

Lớn lên trong cánh tay người mẹ hiền đất Kinh Bắc, lên ba tuổi Nguyễn Du được tập ấm với tước hiệu Hoàng Tín đại phu, Trung thành môn vệ úy, Thụ nhạc bá. Sáu tuổi, Nguyễn Du bắt đầu học. Với bộ óc thông minh kỳ lạ của mình, Nguyễn Du đã hứa hẹn một tương lai rực sáng trên con đường cử nghiệp. Nhưng thời niên thiếu của người cha ngoài sáu mươi tuổi và của ông anh gần bốn mươi tuổi, đã khác nhiều với thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Du. Bấy giờ loạn, mà thời loạn thì chuộng võ. Nguyễn Nghiễm muốn cho đứa con trai thứ bảy của mình theo nghề võ, mặc dù ông và con trai đầu của ông, Nguyễn Khản, xuất thân khoa bảng, đang giữ quyền cao chức trọng trong phủ chúa.

Nhưng với đức tính nhu mì, hiền lành và trầm lặng của mình, Nguyễn Du vẫn ham mê chuyện văn thơ trong kho sách chất đầy thư các, hoặc lặng chìm trong tiếng đàn giọng hát của ca nữ không mấy ngày không ngân nga trong dinh thự cha, anh. Để dọn đường võ nghiệp cho con, Nguyễn Nghiễm nhận lời cho Nguyễn Du làm con nuôi viên quan võ họ Hà làm việc dưới quyền mình, đang giữ chức chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu hiệu trấn Thái Nguyên.

Nhưng rồi những dự liệu của người cha cũng chẳng đi với Nguyễn Du đến trọn đời. Nguyễn Nghiễm cũng qua đời ngay từ lúc Nguyễn Du mới lên mười.

Nếu như những biến loạn bên ngoài chưa tác động đến cậu thiếu niên họ Nguyễn đang sống phẳng lặng trong tòa lâu đài đồ sộ tại phường Bích Câu, thì những họa phúc trong gia đình Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đã gây nên những xúc động mạnh mẽ trong trái tim đa cảm của Nguyễn Du. Liền năm khi người cha mất, người anh đầu cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Trụ chết. Ba năm sau, người mẹ qua đời vào lúc bà sắp đón tuổi tứ tuần.

Cho đến một ngày giông tố bùng nổ trên đến kinh thành. Nguyễn Khản đang giữ chức trấn thủ Sơn Tây, được lệnh triệu về Thăng Long, bị tống giam vì chuyện mưu chống lại Huy Quận công Hoàng Đình Bảo và Tuyên phi Đặng thị Huệ. Chúa Trịnh Sâm mất Trịnh Cán lên ngôi, nhân dân kinh thành truyền nhau câu hát:

Trăm quan có mắt như mờ
Để cho Huy Quận vào sờ chính cung

Câu hát nôm nao mộc mạc mà cay độc lọt vào tay, không khỏi làm cho Nguyễn Du kinh ngạc. Thì ra, bằng chữ nôm, không chỉ làm được những bài ca, khúc hát uyển chuyển, tình cảm đậm đà mà cậu vẫn say mê trong giọng ru hời của người mẹ khi xưa, hay trong các làn điệu của ca nữ, mà còn có thể làm nên câu thơ khiến cho nhiều kẻ phải run sợ. Khắp chợ búa trong kinh thành đâu đâu cũng treo móc sắt để móc lưỡi những người bàn tán xì xào về câu hát ấy! Thế mà thiên hạ vẫn không sợ. Lính tam phủ đã nổi dậy giết chết Quận Huy, phế truất Trịnh Cán, lập Trịnh Khải lên ngôi. Nguyễn Khản lại được bổ dụng tham tri bộ Lại, giữ việc tham tụng trong phủ chúa.

Một năm sau, Nguyễn Du cùng anh là Nguyễn Nễ cắp lều chõng đến trường thi Sơn Nam. Khoa ấy Nguyễn Nễ đậu cử nhân còn Nguyễn Du chỉ đỗ tam trường

Đã qua rồi những cuộc dạo chơi bên ven hồ Thủy Quân của cậu công tử Nguyễn Du dập dìu trong đám giai nhân tài tử. Không còn những buổi hẹn hò với cô gái láng giềng xinh đẹp chèo thuyền trên hồ Tây trong sương sớm. Cuộc sống hòa hoa êm ả mà đơn điệu của Nguyễn Du cũng chấm dứt từ ngày kiêu binh ập đến phá nhà quốc sư Nguyễn Khản. Nguyễn Du theo anh chạy lên Sơn Tây tránh nạn kiêu binh rồi sang Thái Nguyên thay chân cha nuôi giữ chức Chánh thủ hiệu đội quân hùng hậu, sau đó về Quỳnh Côi sống nhờ nơi quê vợ khi Quang Trung đại phá quân Thanh.

Như con chim quý được xua ra khỏi lồng son chật chội, ọp ẹp để thử thách với gió trời, trổ tài bay bổng, Nguyễn Du có dịp hòa mình với thiên nhiên bao la chung sống với người dân hiền lành, siêng năng, chất phác trong cuộc sống nổi chìm. Từ đó dòng sữa vô tận của "Cây đời" đã nuôi dưỡng, vun đắp cho tài năng của Nguyễn Du trổ hoa kết trái.

Trong những năm lăn lộn, ăn nhờ ở đỗ, làm người "Khách bê trệ" bên sông, Nguyễn Du thường tìm đến Thăng Long thăm anh là Nguyễn Nễ đang làm quan nhà Tây Sơn. Đã lâu ngày quen sống chốn đồng quê phẳng lặng, Nguyễn Du không khỏi ngỡ ngàng nhìn Thăng Long đã quá nhiều thay đổi. Trong con mắt của Nguyễn Du sau cơn binh lửa, Thăng Long rộn ràng cuộc sống mới lạ. Ban ngày, người dân bốn phương đổ về, phố phường đông đúc rộn rịp hơn xưa. Đêm đêm, tiếng đàn phách vang lên ở nhiều chỗ. Và lúc này, có mặt trong cuộc hát lớn của các quan Tây Sơn cạnh Giám hồ, Nguyễn Du say sưa lắng nghe tiếng đàn và giọng hát của đoàn ca nữ. Trước mặt Nguyễn Du, dưới ánh đèn, quan chức Tây Sơn, những người đã từng "Chọc trời khuấy nước" đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh, đang thi nhau nâng chén, nói cười nghiêng ngả. Trong số vài chục cô gái mặt hoa da phấn hát hầu cuộc vui, Nguyễn Du chú ý đến một người ca nữ ngồi ôm cây đàn Nguyễn. Khi tiếng đàn rung lên dưới ngón tay ngà của cô, cả cuộc vui như ngừng lại, chỉ còn tiếng năm cung réo rắt ngân vang. Đất trời xao xuyến, người nghe lặng lẽ cúi đầu.

Ít lâu sau, Nguyễn Du được ở nhà Nguyễn Nễ dịp gặp gỡ người tài nữ ấy. Trong cuộc vui có dăm ba người khách, nhân chuốc rượu thưởng thức tài nghệ tuyệt vời của cô, Nguyễn Du hỏi thăm:

- Nàng học ngón đàn Nguyễn với khúc "Trung phụng" này từ bao giờ?

Đôi mắt long lanh, cô gái ngước nhìn Nguyễn Du với vẻ ngạc nhiên. Cô không ngờ trong đám khách lịch lãm ở kinh thành còn có người biết và hỏi đến khúc Trung Phụng. Chính bản thân cô mỗi khi dạo đàn cũng chỉ nhớ đây là khúc nhạc trong Đại nội Trung Hòa ngày trước, do mẹ cô truyền dạy lại, còn người nghe chỉ biết khen hay, hầu như không ai để ý đến lai lịch của nó.

Đỡ ly rượu trong tay Nguyễn Du, cô không trả lời, chỉ liếc nhìn và hỏi lại:

- Quan ngài thích nghe khúc Trung Phụng này lắm chăng?

Nguyễn Du đáp:

- Đó là những khúc đàn hay nhất ở trên đời cũng như ở giữa cõi người.

Ly rượu ngập ngừng trước làn môi thắm, cô liếc mắt đùa nghịch:

- Thế thì quan ngài phải cho em nhiều rượu!

- Ai có tiếc gì với ai!

Cả hai nhìn nhau cùng cười. Cô gái ôm đàn dạo lại khúc xưa, dường như chỉ dành cho một người nghe. Trước mắt Nguyễn Du, chỉ có người tài nữ với tiếng đàn tuyệt diệu của nàng...

Sau nhiều năm lang thang nơi quê vợ, Nguyễn Du trở về với căn nhà lá ở quê hương Tiên Điền bên dòng sông Lam trong vắt. Ở đây một vùng đất cát pha bạc màu, quanh năm nghèo tiền đói gạo nhưng lại thừa gió biển nước sông.

Người dân Nghi Xuân ai mà không nghe biết về chủ nhân ngôi nhà ấy. Một căn nhà gỗ xuềnh xoàng, cổng tre xiêu vẹo, thửa vườn nho nhỏ rau ít, hoa nhiều, quanh năm hương sắc. Trong nhà khoai lúa hiếm nhưng đàn sách lại giàu. Còn phải kể đến chiếc cần câu trúc và vài con chó săn tinh khôn không mấy khi rời chân chủ. Chả thế mà bạn văn chương ai cũng biết Nguyễn Du ngoài tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, còn có biệt hiệu "Hồng Sơn liệp hộ" hoặc "Nam Hải điếu đồ". Còn dân thường thì hay nhắc đến cậu "Chiêu Bảy" trai phường nón mà không hề biết làm nón. Và các cô gái quanh vùng, nhất là gái làng Tràng Lưu thì lại mê tít anh chàng khôi ngô, nho nhã, đa tình, chỉ phải cái tội mới ngoài ba mươi tuổi mà đầu đã sớm bạc!

Hàng năm vào những tháng đầu xuân, Nguyễn Du mòn gót trên các nẻo đường làng Tràng Lưu rộn tiếng hát đối đáp của nam nữ. Chẳng phải say thói trăng hoa, mà vì sức quyến rũ trong giọng hát lời ca dạt dào tình cảm của các cô gái thùy mị, dịu dàng. Nơi làng quê êm đềm này, Nguyễn Du được hòa mình trong đám trai trẻ, mượn lời thơ nôm na trao đổi tình cảm các làn điệu đặc sắc của quê hương.

Sống như Nguyễn Du mà cũng nhiều chuyện vui. Nhưng sau mỗi cuộc vui, khi trở về với căn nhà lá bên dòng sông Lam, nằm khềnh nhìn "Thần ôn vào nhà muốn bắt vía người, nghe tiếng chuột đói leo giường gặm sách vở" hoặc sống trong cảnh. "Cạnh gối có chồng sách đỡ tấm thân bệnh tật. Trước đèn uống chén rượu cho vẻ mặt tiều tụy tươi lên", Nguyễn Du không khỏi đau buồn.

Ông đã tìm phương giải thoát trong kinh sách nhà Phật. Thường ngày Nguyễn Du đi thăm cảnh chùa chiền, đàm đạo với các vị cao tăng, tuy không phải là người tu hành, nhưng Nguyễn Du hy vọng nhờ bàn tay tế độ của đức Phật từ bi, con người có thể thoát khỏi bể khổ của cuộc đời dâu bể.

Ngày rằm tháng bảy, nhìn đàn con trẻ xốn xang mong hương khói chóng tàn để được chia nhau ăn phần cháo nổ Nguyễn Du ngậm ngùi tự hỏi: Không biết con người ở cõi dương có hơn gì các cô hồn bơ vơ ở cõi âm hay không? Ông nảy ra ý nghĩ viết bài "Văn tế thập loại chúng sinh".

Ông cầu mong:

"Nhờ đức phật siêu sinh tịnh độ.
Bóng hào quang cứu khổ độ u".

Nhưng rồi trở về với cuộc sống đang diễn ra trước mắt, Nguyễn Du cũng thấy nước cành dương của nhà Phật không giải thoát được cho mọi kiếp người, trong đó có bản thân ông. Tuy nhiên bài "Văn tế thập loại chúng sinh" được viết ra với ngọn bút tài ba của ông đã vượt ra ngoài phạm vi tín ngưỡng để trở thành một áng văn bất tử với tinh thần nhân đạo bao la, có giá trị tố cáo sâu sắc xã hội đương thời.

Gia Long lên làm vua, Nguyễn Du lại bước vào quan trường. Trên con đường làm quan với nhà Nguyễn, bắt đầu bằng chức tri huyện Phù Dung trấn Sơn Nam, rồi nhiều lần được thăng cấp, ấy thế mà Nguyễn Du đã sớm chán cảnh quan trường, vẫn canh cánh bên lòng niềm ao ước được trở về với sông Lam, núi Hồng!

Sau hơn mười năm làm quan với nhà Nguyễn vào năm Quý Dậu, Nguyễn Du đã được thăng hàm Cần Chánh điện học sĩ, nhận chiếu chỉ nhà vua làm chánh sứ sang triều đình Trung Hoa.

Từ kinh đô đến trấn Nam Quan, qua Thăng Long, Nguyễn Du được dịp dừng lại nơi mình đã sống thuở hoa niên. Hôm đoàn sứ lên đường, các bạn mở tiệc tiễn chân Nguyễn Du trong dinh Tuyên Phủ. Những cao lương mỹ vị chất đầy mâm tiệc càng làm cho Nguyễn Du ngao ngán. Có chăng chỉ tiếng đàn giọng hát của ca nữ đến hầu tiệc, còn hấp dẫn lôi cuốn Nguyễn Du. Bản đàn điệu hát tuy quen thuộc, nhưng mỗi khi cất lên còn làm cho Nguyễn Du cảm thấy thư thái dễ chịu. Khi tiếng hát trong trẻo của người ca nữ nào đó ngừng lại thì một điệu đàn của ai nổi lên khiến Nguyễn Du phải sửng sốt bàng hoàng. Tiếng đàn gợi cho ông nhớ lại câu chuyện hai mươi năm về trước.

Hai mươi năm đã qua, những quan khách Tây Sơn hào hoa phong nhã cùng với cơ nghiệp "Chọc trời khấy nước" của họ không còn nữa, nhưng dư âm của tiếng đàn và người ca nữ vẫn để lại trong trí Nguyễn Du một hình ảnh đẹp đẽ.

Ngồi trên bàn tiệc, Nguyễn Du chú ý nhìn đoàn ca nữ. Ngoài các cô gái xinh đẹp đang tuổi thanh xuân mơn mởn đến đàn hát hầu tiệc, Nguyễn Du còn thấy ở cuối chiếu có một người đàn bà tiều tụy ôm cây đàn Nguyễn lặng lẽ cúi đầu.

Chờ khi tan tiệc, ông tìm gặp người ôm đàn Nguyễn dè dặt hỏi:

Nàng học khúc "Trung Phụng" này từ bao giờ? Người đàn bà ngước nhìn Nguyễn Du rồi vội cúi đầu im lặng. Một lúc sau mới nghe tiếng thở dài hỏi lại:

Quan ngài thích nghe khúc "Trung Phụng" lắm chăng?

Nghe câu hỏi quen thuộc, Nguyễn Du đáp:

Đó là những khúc đàn hay nhất ở trên trời cũng như ở cõi người.

Người ca nữ không đòi rượu như năm xưa, Nguyễn Du chỉ thấy nàng lặng im, những nét đau khổ chán chường hằn trên dung nhan tiều tụy. Nàng nhìn Nguyễn Du bằng đôi mắt lạnh lùng rồi vội quay đi. Người đàn bà ấy có nhận ra Nguyễn Du hay không? Riêng Nguyễn Du thì ông đã nhận ra cô Cầm người ca nữ bên Giám Hồ hai mươi năm về trước đã từng làm cho mình xao xuyến!

Dư âm của tiếng đàn và hình ảnh người ca nữ còn ám ảnh Nguyễn Du suốt dọc đường đi sứ. Nó gợi lên trong ông một nổi cảm hoài về sự sụp đổ của cơ nghiệp người anh hùng cái thế đấy Tây Sơn, một mối đau thương về thân phận người con gái phải dấn thân đem sắc tài làm vui cho thiên hạ để rồi bị hất hủi lãng quên trong cuộc đời dâu bể. Nguyễn Du vội vã ghi lại xúc cảm của mình: ...

"Thành quách đổi đời việc người cũng khác
Bao nơi nương dâu trở thành biển cả.
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong hết
Mà còn sót lại một người trong làng ca múa.
Trăm năm thắm thoát có là bao
Cảm thương vận củ nước mắt thắm áo.
Tôi từ Nam Hà trở lại, đầu bạc trắng hết,
Không trách nhan sắc người đẹp cũng suy tàn...

Rồi đó suốt hành trình trên đất khách từ trấn Nam Quan đến Yên Kinh, Nguyễn Du có dịp đến thăm dấu vết cũ của những nhân vật đất Trung Nguyên mà ông đã từng gặp trong sử sách.

Không phải chỉ quay về với dĩ vãng, những chuyện đang diễn ra trước mắt trên đất Trung Nguyên càng làm cho Nguyễn Du xúc động, đau lòng. Ông làm sao quên được hình ảnh ông già mù hát rong còm cõi vịn vai cháu nhỏ, bán rao chút hơi tàn. Ông già hát thều thào đến "Sùi bọt mép", mà chỉ nhận được "Năm sáu đồng tiền" để kéo dài cả cuộc đời cơ cực.

"Trông thấy mà thương xót.
Người ta thà chết còn hơn nghèo"

Trên dọc đường đi sứ Nguyễn Du từng chứng kiến nhiều cảnh thương tâm của những người dân lành, phải đau khổ vì loạn lạc đói kém. Có một lần sau bữa tiệc ở trạm Tây hà, Nguyễn Du vào quán dịch nằm vắt tay lên trán trằn trọc mãi không sao chợp mắt được. Hình ảnh người mẹ và ba con nhỏ dắt díu nhau đi ăn xin bên hè phố mà ông vừa chứng kiến lại hiện lên trong trí, ông vội ghi lại trên mặt giấy:

"Hàng ngày đi xin dọc trên đường phố
Kế ấy lâu dài sao được!
Cảnh chết lăn nơi ngoài rãnh, trông thấy trước rồi,
Máu thọt nuôi sài lang
Mẹ chết không đáng tiếc
Vỗ về con mà đứt ruột
Lòng đau sót vô cùng
(Trông lên) trời, mặt trời vàng úa"

Nguyễn Du tự hỏi không biết trên ngôi cao vời vợi, vua Minh có biết đến cảnh cơ cực của dân tình hay không. Ông ước ao có "Ai vẽ bức tranh này đem dâng lên nhà vua".

Đi sứ về, Nguyễn Du được thăng Hữu tham tri bộ lễ và làm việc tại kinh đô Huế.

Biết Nguyễn Du là người có tài đức, ông vua đầu triều Nguyễn muốn đem chức tước phẩm hàm để ràng buộc, mong Nguyễn Du cúc cung tận tụy phụng sự cho mình. Nhưng với Nguyễn Du, dù là tri huyện, cai ba hay tham tri cũng thế thôi, Nguyễn Du bây giờ cũng vẫn là Nguyễn Du ngày trước với những suy nghĩ:

"Vinh hoa như áo gấm đi đêm, chỉ là ảo ảnh ở ngoài thân. Danh lợi như bóng mây buổi sớm, thay đổi ngay trước mắt".

Làm quan đến chức Á Khanh, đứng hàng thứ hai trong một bộ, ấy thế mà Nguyễn Du vẫn sống như một người học trò nghèo. Mặc cho người ta xe ngựa rộn rịp, kẻ hầu người hạ tấp nập, Nguyễn Du vẫn bình thản lặng lẽ vui sống với cuộc đời văn chương thanh bạch.

Trong các buổi triều hội, cùng bá quan văn võ quỳ trước ngai rồng để nghe lời thánh dự hoặc luận bàn việc nước, Nguyễn Du chỉ yên lặng lắng nghe và khiêm tốn giữ lễ. Thái độ của Nguyễn Du không làm cho Gia Long vừa lòng. Đã có lần, sau triều hội, nhà vua truyền cho Nguyễn Du ở lại để khuyên dụ riêng:

- "Nhà nước dùng người, ai giỏi thì cất lên, không nề hà phân biệt kẻ Bắc người Nam, khanh với Ngô Vị đã được trẫm biết tài mà bổ dụng, làm quan đến chức tham tri, biết điều gì cứ nói, để làm hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè, sợ sệt, chỉ dạ dạ vâng vâng thế thôi".

Câu chuyện cũng trôi qua, lời khiển trách của nhà vua có làm cho Nguyễn Du suy nghĩ, nhưng không vì thế mà ông trở thành một đại thần như ý muốn của Gia Long.

Đã khuya, dãy tư thất của các quan tham tri lục bộ chìm trong bóng đêm dày đặc. Riêng thư phòng của Nguyễn Du, chùm tia sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu còn lọt qua song cửa sổ, soi vào mấy nhóm cây ngoài sân lấp lánh sương đêm.

Trong phòng, trên án thư, quyển "Phong tình cổ lục" xếp gọn một bên. Tập bản thảo dày cộp mở rộng trước mặt, Nguyễn Du gục đầu thiếp đi trên trang giấy viết bốn chữ "Đoạn trường tân thanh" còn chưa ráo mực.

Trước đây, nhân dịp đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Du được đọc quyển "Phong tình cổ lục" của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy không phải là một truyện đặc sắc về văn chương, nhưng đối với Nguyễn Du, điều khiến ông không thể bỏ qua được là truyện kể về Vương Thúy Kiều một người con gái tài sắc tuyệt vời, phải chịu đựng mười lăm năm lưu lạc đọa đày và cuối cùng đã mượn dòng sông Tiền Đường để kết thúc cuộc đời khổ ải. Câu chuyện tuy xảy ra dưới triều Minh bên đất Trung Hoa nhưng Nguyễn Du lại thấy sao mà quá quen thuộc và gần gũi.

Chẳng ở đâu xa lạ, ngay trên đất nước này thôi, dưới triều vua Lê chúa Trịnh rồi đến Nguyễn Gia Long bây giờ, Nguyễn Du đã thấy không ít người phải chịu số phận như nàng Kiều.

Nhớ lại những ngày giông tố nổi lên trong cung vua phủ chúa, loạn kiêu binh đập phá kinh thành, bao nhiêu gia đình phải tan nát. Giông tố chưa kịp tan đi thì giông ba bão táp lại ập tới, Giặc Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu kéo quân vào Thăng Long. Khắp chợ cùng quê, từ dân thường cho đến công hầu khanh tướng đều chịu cảnh quốc phá gia vong... Nhà Tây Sơn bừng lên trong hào quang chiến thắng giặc ngoài, quét dọn nội loạn, cũng không duy trì được bao lâu cảnh sống thanh bình. Rồi Gia Long lên làm vua tình cảnh loạn lạc, cơ cực lại tái diễn triền miên như không bao giờ dứt. Trong cái bể loạn lạc mênh mông ấy, những người có tài đức phần đông phải lao đao chìm nổi hoặc đứt ruột vì hận sầu.

Thanh Tâm Tài nhân khi viết "Vương Thúy Kiều" chỉ nhằm kể chuyện một người tài nữ "Hồng nhan bạc phận" như trăm ngàn chuyện phong tình khác mà thôi. Với Nguyễn Du, ông lại thấy xung quanh nàng Kiều có cả một lũ kình nghê bủa vây ngụp lặn trong sóng nước đục ngầu, đang nhe nanh tìm cách nhận chìm người đẹp xuống đáy vực.

Nguyễn Du đã từng đau khổ để nước mắt thầm rơi trước người ca nữ bị lãng quên trong cuộc đời làm vui cho thiên hạ; ông đã từng cất tiếng khóc than cho những cô hồn lạc lỏng bơ vơ trong đêm dài tăm tối. Và giờ đây ông lại thêm đứt ruột xót thương cho người con gái tài đức, nhan sắc bị đọa đày. Càng thương người tài đức ông càng căm ghét lũ hùm sói đội lốt người nhan nhản trong xã hội.

Nguyễn Du có ý định nhân truyện của Thanh Tâm Tài Nhân gợi hứng viết lại thành một truyện mới. Ông hy vọng gởi gắm vào đó nổi niềm tâm sự xót thương cho số phận con người, lòng căm giận thói đời bất công, bạc bẽo và nhơ bẩn. Sau bao nhiêu ngày đêm suy ngẫm, Nguyễn Du quyết định dùng chữ Nôm để viết truyện với thể thơ lục bát. Ông cho rằng tiếng nói và chữ viết của người mình, sao lại không thể làm nên những áng văn chương tuyệt bút được? Lời thơ uyển chuyển, âm thanh trầm bổng trong giọng ru hời của người mẹ, trong bài ca khúc hát chốn đồng nội chẳng đã làm Nguyễn Du say mê một thời và để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc và nhiều kỷ niệm khá êm đẹp đó sao? Còn vận dụng nó thì không ngại. Cậu "Chiêu Bảy"Ngày xưa đã từng "Xuất khẩu thành thi" và chính Nguyễn Du đã viết nên bài "Văn tế thập loại chúng sinh" nổi tiếng bằng chữ Nôm đang lưu truyền rộng rã trong thiên hạ.

Nhưng với tuổi ngoài năm mươi, nhiều bệnh tật, lại lao đao vì đàn con nheo nhóc "đói xanh như tàu lá" ở quê nhà, Nguyễn Du lần lữa mãi chưa bắt tay vào việc được. Cho tới một ngày ý định viết truyện đã thôi thúc đến mức không thể dừng, Nguyễn Du dốc sức vào công việc đến quên cả bệnh tật.

Hàng mấy tháng ròng, sau buổi làm việc ở công đường bộ Lễ, trở về thư phòng. Nguyễn Du ngồi lỳ bên án thư.

Khi những câu mở đầu của truyện:

"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Hiện ra trên mặt giấy, như dòng nước đã khơi nguồn, mạch thơ lai láng tràn ra theo ngọn bút. Từ đấy, nhân vật Thuý Kiều của truyện thơ không rời trí não Nguyễn Du. Ông nghĩ về nàng, viết về nàng mà như nghĩ và viết về mình. Bước đường lưu lạc, đọa đày và sức phản kháng bền bỉ của cô gái tài sắc hiện dần lên dưới ngòi bút của Nguyễn Du, nhiều lúc khiến chính bản thân ông cũng kinh hoàng. Nguyễn Du đã phải kêu lên trên trang giấy:

"Chém cha cái số đào hoa
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen
Tiếc thay nước đã đánh phèn
Mà cho bùn lại vẫn lên mấy lần".

Bằng tiếng nói dân gian với tài sử dụng chữ Nôm, Nguyễn Du đã làm cho những tên người, tên đất không quen thuộc trong "Vương Thuý Kiều" trở nên gần gũi với nhân dân ta. Qua truyện Kiều ta thấy Nguyễn Du đã dựng nên những con người sắc nét, với khung cảnh một xã hội khá quen thuộc dưới triều vua Lê chúa Trịnh, dưới triều Nguyễn Gia Long. Đó là xã hội mà những tên quan lại đốn mạt kiểu Hồ Tôn Hiến, những tên lưu manh kiểu Sở khanh, những kẻ buôn người kiểu Tú Bà, Mã Giám Sinh được tự do thao túng chà đạp lên mọi quyền sơ đẵng nhất của con người. Đó là xã hội mà hạnh phúc gia đình, tình yêu lứa đôi, tài đức, nhân phẩm trở thành tai vạ. Đó là xã hội của bất công, tội ác của những tiếng kêu não ruột... Càng thương yêu, trân trọng con người, ông càng căm giận, trút hận vào mọi thế lực chà đạp lên hạnh phúc của con người.

Sau mấy tháng trời làm việc ròng rã, khi gục đầu bên ngọn đèn khuya, khi mơ màng thấy bóng nàng Kiều chập chờn trong giấc ngủ, khi say sưu cùng Tứ Hải "Chộc trời khấy nước mặc dầu dọc ngang nào biết trên đầu có ai" khi thở dài để nén xúc động hay để trút nổi mệt nhọc vì lao tâm khổ trí, Nguyễn Du đã viết xong áng văn chương kiệt tác bằng chữ Nôm. Cho đến một hôm, sau khi khiêm tốn viết xong hai câu cuối cùng:

"Lời quê chấp nhặt dong dài
Mua vui cũng được một vài trống canh".

Và tô đậm bốn chữ "Đoạn trường Tân Thanh" đã chọn làm tên sách, Nguyễn Du cảm thấy nhẹ nhàng vì đã trả xong món nợ văn chương.

Như con tằm nhả tơ, viết xong truyện dài ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu thơ, Nguyễn Du kiệt sức. Tấm thân gây gò bệnh tật của ông lại càng còm cõi đi nhiều. Gục đầu thiếp đi trên tập bản thảo, Nguyễn Du vẫn mơ màng thấy nàng Kiều xinh đẹp đang rũ rượi khóc than trước mồ Đạm Tiên:

"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
Phủ phàng chi bấy hóa công
Ngày xanh mòn mỏi mà hồng phôi pha..."

Trong khi đó, ngọn gió khuya vô tình lọt qua cửa sổ khẽ lay động mái tóc bạc trắng của Nguyễn Du bơ phờ trong vành khăn nhiễu tím xộc xệch.

Mùa thu năm Canh Thìn, vào những ngày đầu tháng Tám., kinh thành Huế nô nức sửa soạn đón tết Trung Thu. Nói là tết của trẻ em, nhưng ở chốn đế đô này, những người làm cha làm mẹ trong hàng ngũ quan lại đủ cỡ, các bậc vương tôn công tử được dịp khoe khoang sự giàu có sang trọng của mình. Chả là năm nay, Minh Mệnh lên ngôi, nhà vua đã sai bộ Lễ sức cho các nơi, nhất là ở kinh đô, phải làm sao để tết Trung Thu năm nay hơn hẳn mọi năm.

Ấy thế mà ở đây, trong khu dinh thư lục bộ, riêng tư thất của quan Tham tri bộ Lễ Nguyễn Du hầu như không biết đến tết Trung Thu.

Chưa kịp lên đường để lại đi sứ lần nữa sang đất Trung Nguyên theo mệnh của vua mới, quan tham tri đã lâm bệnh!

Trong căn phòng quạnh quẽ vắng bóng người vợ hiền đang ở quê Tiên Điền, cùng những đứa con thơ, hàng ngày ngoài vài người thân đang làm quan tại triều đến săn sóc bên người bệnh còn có bạn bè ra vào thăm hỏi. Thuốc thang đã nhiều, bệnh của Nguyễn Du vẫn ngày một nặng. Có lẽ hiểu biết bệnh tình và sức khỏe của mình hơn ai hết, ông từ chối không dùng thuốc nửa.

Năm mươi sáu năm trời lặn lội cười khóc với đời, chẳng những cuộc sống đã sớm để lại những nét già nua trên thân hình bệnh tật của Nguyễn Du mà còn khắc họa những đường nét vô hình nhưng sâu sắc trong trái tim nhạy cảm và khối óc thông minh của con người tài hoa đó.

Là con đẻ của Vương hầu quý tộc, nhưng chính cũng vì cái xã hội vương hầu quý tộc ấy mà Nguyễn Du bị hất vào bão tố vật vờ như bao kiếp người dân lành lênh đênh trên dòng đời chìm nổi. Thác lũ của đòng đời đã đón lấy Nguyễn Du, nuôi dưỡng và tôi luyện Nguyễn Du, nâng tài năng của ông lên tột đỉnh.

Ôm ấp niềm mơ ước cao đẹp về một cuộc sống yên vui hạnh phúc cho con người, hy vọng mọi sự tốt lành đối với người tài đức, Nguyễn Du trở thành người bạn tâm tình của mọi người.

Cuộc đời làm quan của ông có giúp được gì cho ai, mặc dù ông phải lê thê uể oải dấn bước như khách bộ hành, vừa miễn cưỡng buớc trên con đường gập ghềnh tẻ ngắt vừa rơi nước mắt khóc thương đời.

Bất lực trước thực tế phủ phàng, con người lỗi lạc ấy đã gửi gấm tâm sự vào văn chương.

Vào một ngày cuối của thượng tuần tháng Tám, ngoài trời nắng thu đẹp. Bên sân, mấy cây Ngô đồng đã rụng lá, các khóm cúc đang nẩy mầm xanh ngọn. Một vài bông cúc đầu mùa đã cười đón gió heo may. Bình thường thì Nguyễn Du đã sớm chiều chăm bón cho hoa, ngồi bên song ngắm cảnh thu, gật gù nâng chén rượu hoàng hoa, ngâm ngợi mấy vần thơ hoặc gửi gấm tâm tình trong tiếng đàn dìu dặt. Bây giờ thì cỏ hoa vắng người chăm, túi đàn giá sách vẫn xếp một chỗ và vò rượu hoàng hoa còn bỏ dở. Chủ nhân của chúng đang hấp hối trên giường bệnh.

Ngồi bên Nguyễn Du, Thăng Đức bá Nguyễn Thảng buông bàn tay giá lạnh của chú, hốt hoảng gọi Sóc nhạc hầu Nguyễn Úc đang mệt mỏi ngả người trên kỷ sau nhiều đêm thức trắng:

Chú ơi! Tay chân của chú Du đức hầu đã lạnh toát có lẽ người quy tiên đến nơi rồi!

Nguyễn Úc giật mình, vội vã đến lay gọi anh. Một hồi lâu Nguyễn Du mở mắt nhìn em và cháu, không nói một lời. Cho đến khi nhận ra tiếng em báo cho biết tay chân mình đã chết lạnh, Nguyễn Du khẻ gật đầu:

Được! Được!

Như ngọn đèn hết dầu, hơi thở của người bệnh yếu dần. Nguyễn Du mở to đôi mắt soi vào không gian thâm thẩm. Một vài tiếng nấc não ruột, trái tim của Nguyễn Du ngừng đập.

Hôm ấy nhằm ngày Mười tháng Tám năm Canh Thìn.
Hiệu là Tố Như, Thanh Hiên, con Nguyễn Nghiễm, làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Nghệ Tĩnh) văn chương vượt hẳn bạn bè, nhưng học vị chỉ là tam trường (tú tài). Nguyễn Du gặp nhiều khó khăn hồi con thanh niên. Mười một tuổi mồ côi cha, mười ba tuổi mất mẹ, suốt đời trai trẻ ăn nhờ ở đâu: hoặc ở nhà anh ruột (Nguyễn Khản), nhà anh vợ (Đoàn Nguyễn Tuấn), có lúc làm con nuôi một võ quan họ Hà, và nhận chức nhỏ: chánh thủ hiệu uý. Do tình hình đất nước biến động, chính quyền Lê Trình sụp đổ, Tây Sơn quét sạch giặc Thanh, họ Nguyễn Tiên Điền cũng sa sút tiêu điều: "Hồng Linh vô gia, huynh đệ tán". Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi. Năm 1802, ra làm quan với triều Nguyễn được thăng thưởng rất nhanh, từ tri huyện lên đến tham tri (1815), có được cử làm chánh sứ sang Tàu (1813). Ông mất vì bệnh thời khí (dịch tả), không trối trăng gì, đúng vào lúc sắp sửa làm chánh sứ sang nhà Thanh lần thứ hai.


Nguyễn Du có nhiều tác phẩm. Thơ chữ Hán như Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục. Cả ba tập này, nay mới góp được 249 bài nhờ công sức sưu tầm của nhiều người. Lời thơ điêu luyện, nhiều bài phản ánh hiện thực bất công trong xã hội, biểu lộ tình thương xót đối với các nạn nhân, phê phán các nhân vật chính diện và phản diện trong lịch sử Trung Quốc, một cách sắc sảo. Một số bài như Phản chiêu hồn, Thái Bình mại ca giả, Long thành cầm giả ca đã thể hiện rõ rệt lòng ưu ái trước vận mệnh con người. Những bài viết về Thăng Long, về quê hương và cảnh vật ở những nơi Nguyễn Du đã đi qua đều toát lên nỗi ngậm ngùi dâu bể. Nguyễn Du cũng có gắn bó với cuộc sống nông thôn, khi với phường săn thì tự xưng là Hồng Sơn liệp hộ, khi với phường chài thì tự xưng là Nam Hải điếu đồ. Ông có những bài ca dân ca như Thác lời con trai phường nón, bài văn tế như Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, chứng tỏ ông đã tham gia sinh hoạt văn nghệ dân gian với các phường vải, phường thủ công ở Nghệ Tĩnh.

Tác phẩm tiêu biểu cho thiên tài Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh và Văn tế thập loại chúng sinh, đều viết bằng quốc âm. Đoạn trường tân thanh được gọi phổ biến là Truyện Kiều, là một truyện thơ lục bát. Cả hai tác phẩm đều xuất sắc, tràn trề tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, phản ánh sinh động xã hội bất công, cuộc đời dâu bể. Tác phẩm cũng cho thấy một trình độ nghệ thuật bậc thầy.

Truyện Kiều đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hoá Việt Nam. Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều trở thành điển hình cho những mẫu người trong xã hội cũ, mang những tính cách tiêu biểu Sở Khanh, Hoạn Thư, Từ Hải, và đều đi vào thành ngữ Việt Nam. Khả năng khái quát của nhiều cảnh tình, ngôn ngữ, trong tác phẩm khiến cho quần chúng tìm đến Truyện Kiều, như tìm một điều dự báo. Bói Kiều rất phổ biến trong quần chúng ngày xưa. Ca nhạc dân gian có dạng Lẩy Kiều. Sân khấu dân gian có trò Kiều. Hội họa có nhiều tranh Kiều. Thơ vịnh Kiều nhiều không kể xiết. Giai thoại xung quanhi cũng rất phong phú. Tuồng Kiều, cải lương Kiều, phim Kiều cũng ra đời. Nhiều câu, nhiều ngữ trong Truyện Kiều đã lẫn vào kho tàng ca dao, tục ngữ. Từ xưa đến nay, Truyện Kiều đã là đầu đề cho nhiều công trình nghiên cứu, bình luận và những cuộc bút chiến. Ngay khi Truyện Kiều được công bố (đầu thế kỷ XIX) ở nhiều trường học của các nho sĩ, nhiều văn đàn, thi xã đã có trao đổi về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Đầu thế kỷ XX, cuộc tranh luận về Truyện Kiều càng sôi nổi, quan trọng nhất là cuộc phê phán của các nhà chí sĩ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng phản đối phong trào cổ xuý Truyện Kiều do Phạm Quỳnh đề xướng (1924).

Năm 1965, Nguyễn Du chính thức được nhà nước làm lễ kỷ niệm, Hội đồng hoà bình thế giới ghi tên ông trong danh sách những nhà văn hoá thế giới. Nhà lưu niệm Nguyễn Du được xây dựng ở làng quê ông xã Tiên Điền. Trường viết văn để đào tạo những cây bút mới mang tên ông.
MAIYEUEM.NET

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét