Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

Người hiến sắc cờ cho vua Quang Trung

Nửa sau thế kỷ XVIII, khi cửa Thử cạn dần, việc buôn bán ở Nước Mặn chuyển xuống Gò Bồi và Quy Nhơn. Bấy giờ, ở làng Vĩnh Khánh xưa (tức hai làng Cẩm Thượng và Chánh Thành sau này), đã hình thành một trung tâm thương mại mới. Nơi đây, có một nhà buôn giàu lòng nghĩa hiệp, hiệu là Huyền Khê. Ông có ghe thuyền buôn bán đường biển, đường sông, thường xuyên dong thuyền ra Bắc vào Nam buôn bán.

Biết rõ kẻ sĩ và dân tình thời bấy giờ oán hận Trương Phúc Loan tham bỉ, vơ vét của cải nhân dân, nên khi Nguyễn Nhạc mời ra giúp sức chuẩn bị dấy binh cứu dân giúp đời, ông liền hiến toàn bộ tài sản và cùng gia nhân ra ứng nghĩa. Biết ông là người giỏi quản lý, nên Nguyễn Nhạc giao cho ông làm đệ tam trại chủ, chuyên lo việc quân lương. Từ đấy, nhà phú thương trở thành vị tướng hậu cần, phục vụ quân đội Tây Sơn. Ngoài lo việc hậu cần cho nghĩa quân, ông còn hiến kế giúp vua phát triển sản xuất, đẩy mạnh khai hoang, mở mang ngành nghề, buôn bán, vừa tạo cuộc sống yên bình cho dân, vừa gầy dựng tiềm lực kinh tế cho nghĩa quân. Suốt 8 năm chinh chiến ở Đàng Trong, công lao lo quân lương, quân nhu cho hàng vạn binh sĩ của Huyền Khê không nhỏ.

Biết tài ông, Nguyễn Huệ tin dùng, đưa ông theo khi tiến quân đánh chiếm Phú Xuân rồi ra Thăng Long. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, cần có đế hiệu, kỳ hiệu riêng, nên họp quần thần để hỏi ý kiến mọi người. Trong lúc các bề tôi mỗi người một ý, vua còn cân nhắc, thì Huyền Khê đứng dậy nói:

- Thưa Vương Thượng, ngài lên ngôi Hoàng Đế dẫn quân đánh đuổi giặc Mãn Thanh là việc thuận ý trời, hợp lòng người. Nhưng ngài và Thái Đức Hoàng Đế là anh em, cùng một cội, cùng dấy nghĩa trừ tàn khử bạo, kỳ hiệu của Trung ương Hoàng Đế sắc đào thì kỳ hiệu của ta cũng nên dùng sắc đào và cần thêm hình nét ở giữa để làm sáng tỏ đại nghĩa của triều ta.

Bắc Bình Vương cả cười:

- Ý tiên sinh thật hợp với ý ta. Sắc đào thể hiện chí nguyện hy sinh xương máu cứu nước, cứu dân của ba quân. Trước, ta đã đem quân ra Bắc Hà phù Lê diệt Trịnh, nay ta lại đem quân ra quét sạch lũ hung đồ, nghĩa lớn sáng ngời như vầng nhật nguyệt. Vì vậy, đế hiệu ta là Quang Trung, kỳ hiệu phải là sắc đào có mặt trời vàng nằm giữa. Thế mới sáng tỏ chí nguyện của ta và muôn dân.

Vương vừa dứt lời thì quần thần đã tung hô: Hoàng Đế vạn tuế!

Thế là rạng ngày 25 tháng 11 năm 1778, lá cờ triều đại Quang Trung tung bay trên kỳ đài núi Bân trong lễ tế trời lên ngôi của Quang Trung. Nhìn lá cờ đào bay, mưu sĩ Huyền Khê vững niềm tin vào trận đại thắng nay mai và mừng thầm ý mình hợp ý nhà vua.
BTK-Theo Quê Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét