Anh Ngữ (Giáo sư Đặng Văn Ngữ dành cho chúng tôi cách xưng hô thân thiết đó), hai tiếng thân thương ấy với tất cả lòng yêu quý và tôn kính đối với người thầy đã ra đi vẫn ngân vang mãi trong lòng bao thế hệ học trò.
Hơn ba mươi năm qua, tuy ông đã đi vào cõi vĩnh hằng (1-4-1967), nhưng hình ảnh "Anh Ngữ" vẫn còn trong tâm tưởng bao học trò, người thân, bạn bè, đồng chí. Nhân cách và những công trình đồ sộ mà ông để lại luôn in đậm dấu ấn trong tôi.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ sinh tại Huế ngày 4-4-1910, là con một nhà nho. Tuổi thơ ông chứng kiến ngững ngày dân ta khổ cực dưới ách thực dân. Ước muốn trở thành người thầy thuốc giúp ích cho dân hình thành ngày càng rõ nét ngay từ thuở thiếu thời ấy.
Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Ngay từ khi đang học đại học, thiên hướng nghiên cứu khoa học nổi trội nơi ông. Ông chấp nhận ở lại trường làm trợ lý chứ không mở phòng mạch tư. Con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã mở ra với ông. Lúc đó ông không dư dật gì. Vợ ông vốn là con quan thượng thư của triều đình Huế vậy mà vẫn phải làm bánh gửi bán ở các nhà hàng kiếm thêm tiền phụ giúp chồng. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với ông lòng say mê khoa học không hề suy giảm. Chính trong thời gian này ông đã hoàn thành nhiều công trình khoa học, trong đó có công trình điều tra về muỗi A-nô-phen ở Việt Nam làm cơ sở cho các công trình nghiên cứu về muỗi truyền sốt rét phục vụ chương trình phòng chống sốt rét sau này.
Năm 1943, ông sang Nhật Bản tu nghiệp với tư cách phái viên của Trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội. Ở Nhật Bản, năm 1945, sau khi nhà bác học A.Fleming được Giải thưởng Nô-ben vì có công phát hiện ra pê-ni-xi-lin, mở ra kỷ nguyên mới điều trị các bệnh nhiễm trùng, được sự khuyến khích của giáo sư M.Ota, ông đã tìm được một giống nấm tiết ra pê-ni-xi-lin.
Kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ chiếm đóng Nhật Bản. Lúc đó ông đang làm việc ở Tô-ki-ô. Ông cùng các bạn lập hội Việt kiều mà ông là chủ tịch, tổ chức biểu tình đòi công nhận nền độc lập ở Việt Nam... Và cũng thời gian này ông tiếp tục tích lũy kiến thức, phương pháp sản xuất pê-ni-xi-lin. Năm 1948, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược khoa Hà Nội ở vùng bị địch tạm chiếm yêu cầu ông trở về và cũng lúc này điều kiện đi Mỹ làm việc rộng mở đối với ông. Nhưng ông đã về nước phục vụ nhân dân.
Cuối năm 1949, sau nhiều khó khăn, vất vả ông đã trở về Tổ quốc, có mặt ở chiến khu Việt Bắc. Tất cả tài sản ông đem từ Thái Lan (ông phải chuyển tiếp qua con đường này) về nước chỉ có hai bộ quần áo và ống giống nấm pê-ni-xi-lin với một tấm lòng, một trí tuệ sẵn sàng hiến dâng cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Được sự quan tâm, động viên của Bác Hồ, với sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, ông bắt tay vào việc cấy nấm sản xuất pê-ni-xi-lin. Có lúc ách tắc tưởng chừng không vượt qua nổi, nhưng một lần nữa ông lại thành công. Nấm pê-ni-xi-lin đã có mặt khắp các chiến trường, cứu bao chiến sĩ, đồng bào khỏi tay tử thần do nhiễm trùng vết thương.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông cùng các đồng nghiệp được giao trọng trách phục hồi và phát triển Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Giáo sư Đặng Văn Ngữ tham gia giảng dạy ba bộ môn: sinh lý học, sinh vật học và ký sinh trùng học. Ông lại được giao nhiệm vụ nghiên cứu để trở thành Viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng. Viện ra đời năm 1957, chỉ hai năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới phát động chương trình tiêu diệt sốt rét trên toàn thế giới và ông là viện trưởng đầu tiên cho tới ngày hy sinh tại chiến trường Trị Thiên - Huế khi đang mải mê nghiên cứu về sốt rét. Công trình điều tra toàn diện về sốt rét trước nay chưa ai từng làm và làm một cách cẩn trọng đã tạo cơ sở vững chắc cho công cuộc phòng chống căn bệnh này. Khỏi phải kể nỗi gian lao, vất vả mà ông và các học trò đã trải qua. Hình ảnh Giáo sư Đặng Văn Ngữ lặn lội khắp mọi nơi, nhiều đêm thức trắng vì công việc còn mãi ghi dấu đậm nét ở nhiều người. Ông hy sinh khi những ý tưởng về vác-xin phòng chống sốt rét còn đang nung nấu trong lòng. Ông đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về hai công trình chế dung dịch pê-ni-xi-lin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp và điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam mà Nhà nước truy tặng là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của ông. Nhưng cũng quý giá biết bao là hình ảnh của ông, tấm gương sáng mà những người học trò dù trực tiếp được nghe những lời dạy bảo ân cần, thấm đậm tình người cũng như các thế hệ tiếp sau ngưỡng mộ với tất cả lòng thành kính. Chúng tôi, những học trò của ông vẫn nhớ như in trong lòng, với những bài giảng của mình không chỉ là sự uyên thâm về trí tuệ mà ông còn truyền ngọn lửa nhiệt tình, sự tận tâm với công việc, với học trò...
Bức tượng ông mới đây đã được dựng tại Viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng. Ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, đều đã có đường phố mang tên ông. Và chúng tôi những người học trò đi sau nhớ mãi về ông. Xin được thắp nén hương thơm dâng lên người thầy sáng ngời một nhân cách, một trí tuệ Việt Nam, rất gần gũi và thân thương.
BTK-Theo Quê Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét