Niên hiệu: Quảng Hoà. Cuối đời Mạc Ðăng Doanh, quan hệ với nhà Minh lại trở nên căng thẳng. Tình hình ở phía Nam cũng nguy cấp: quân đội Lê Trung Hưng sau 7 năm chiêu binh luyện mã đủ sức đánh chiếm Nghệ An và hai năm sau năm Quý Mão (1543) đã kiểm soát được cả Tây Ðô (Thanh Hoá). Mạc Ðăng Dung phải trở lại Ðông Kinh đưa cháu nội là Mạc Phúc Hải lên nối ngôi năm Tân Sửu (1541).
Lúc này, ở Trung Quốc, Minh Thế Tông đem việc Nam chinh ra luận bàn, rất nhiều quan lại nhà Minh dâng sớ con vua nên mềm dẻo mà giải quyết việc biên giới phía Nam, rút bài học thất bại của các đời vua trước. Hộ bộ thị lang Ðường Trụ dâng sớ trình bày 7 điều không nên đánh An Nam, cho rằng các thời vua trước chưa bao giờ thắng lợi ở An Nam kể từ Mã Viện đến Minh Thái Tông... Thị lang Phan Trân lại nói: “Mạc Ðăng Dung cướp ngôi Lê cũng như Lê cướp ngôi Trần vậy; nếu Ðăng Dung chịu dâng biểu nộp cống thì coi như được”.
Rút bài học từ cha con họ Hồ, Mạc Ðăng Dung lúc này tuy đã nhường ngôi cho con tiếp sau là cháu, trở về sống cảnh điền viên ở Cổ Trai, vẫn phải chấp nhận yêu cầu trên: tự trói mình trước phủ quân Minh ở trấn Nam Quan, trả lại bốn động, xin nội phủ... Ông già Mạc Ðăng Dung mặc dù lòng không muốn vẫn phải gắng sức cuối cùng chịu nỗi nhục (khổ nhục kế) để con cháu ông tránh khỏi một cuộc chiến tranh khốc liệt mà chắc chắn là tốn rất nhiều năm xương máu của cả hai bên. Sau sự kiện quá sức đó, trở về Cổ Trai sống những ngày còn lại, chẳng bao lâu thì Mạc Ðăng Dung mất, đó là một ngày thu tháng 8 năm Tân Sửu (1541). Như vậy Mạc Ðăng Dung làm vua 3 năm, làm Thái thượng hoàng 12 năm, thọ 59 tuổi.
Thời Mạc Phúc Hải theo lời bàn của thiếu sư Mạc Ninh Bang, đã tiến hành việc chia cấp lộc điền, đặc biệt ưu tiên binh sĩ-một lực lượng quân sự to lớn được nuôi dưỡng để chống lại Nam Triều.
Trong khi đó, tại Nam Triều, quân binh do Lê Trang Tông tự làm tướng đã kéo ra Yên Mô (Ninh Bình), Thái sư hưng quốc công Nguyễn Kim bị đánh thuốc độc chết đột ngột, quyền hành lọt vào tay con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Lực lượng phía Nam triều ngày càng được củng cố. Mạc Phúc Hải lại thường say mê hát xướng, thích chơi chọi gà, ít quan tâm đến triều chính, mọi mặt giảm sút. Song Phúc Hải làm vua không lâu, ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ (1546), Phúc Hải chết ở ngôi 6 năm, về sau truy tôn làm Hiến Tông Hiền hoàng đế.
BTK-Theo Quê Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét