Ngày xưa, ở làng Băng Sơn, huyện Hồng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, có người to lớn vạm
vỡ, râu ria rậm rạp, khỏe mạnh phi thường, tên là Lê Phụng Hiểu. Khi hai mươi tuổi, có hai thôn Cổ Bi và Đàm Xá tranh nhau ruộng đất đem dân làng ra đánh nhau, Phụng Hiểu vung cánh tay lên bảo với người làng Cổ Bi rằng: "Chỉ một mình tôi có thể đánh được muôn người".
Dân làng mừng lắm, làm rượu để mời Phụng Hiểu ăn uống. Phụng Hiểu uống hết một vò lớn, ăn sạch một nồi ba mươi cơm mới no, bấy giờ mới ra khiêu chiến với người làng Đàm Xá. Khi hai xã giáp chiến, Phụng Hiểu vươn mình lên nhổ một cây to bên vệ đường cầm ngang trong tay, xông vào đánh nhau với dân Đàm Xá. Dân làng này phải bỏ chạy, không ai dám địch, chạy không kịp thì bị thương, đành phải nhường trả ruộng cho làng Cổ Bi.
Bấy giờ vua Thái Tổ nhà Lý đang kén người có sức mạnh để sung vào quân túc vệ, nghe tiếng Phụng Hiểu liền cho vời đến phong ngay chức Võ Vệ tướng quân.
Đến khi vua Thái Tổ m^'t, Thái Tôn nối ngôi, có ba vị vương là Dực Thánh Vương, Võ Đức Vương và Đông Chính Vương mưu làm phản, đem binh vào Đại Nội để cướp ngôi vua.
Phụng Hiểu vâng mệnh vua Thái Tôn đem quân túc vệ ra cửa vung kiếm giết ngay Võ Đức Vương. Quân tam vương thấy vậy, rùng rùng bỏ chạy tìm đường thoát thân, quân túc vệ thừa thế đánh tràn ra, giết quân ba phủ không còn một mống nào, chỉ có hai vị vương kia chạy được thoát. Bình xong cuộc biến, lúc trở vào triều, vua Thái Tôn vỗ vai Phụng Hiểu khen ngợi: "Trẫm xem sử nhà Đường, thấy Uất Trì Kinh Đức cứu nạn cho vua Đường Thái Tôn, tưởng là các bày tôi về sau không còn ai trung dũng được như thế nữa, nay không ngờ có khanh".
Rồi phong cho làm Đô Thống tướng quân. Được ít lâu, Phụng Hiểu theo vua Thái Tôn vào đánh Chiêm Thành, làm tiên phong phá tan quân giặc, bắt được vua Chiêm là Chế Vũ. Thành công trở về, vua định thưởng nhiều vàng bạc và phong tước hầu cho Phụng Hiểu, nhưng Phụng Hiểu đều từ chối, xin cho đứng ở trên núi Băng Sơn ném một lưỡi dao ra ngoài, hễ rớt xuống chỗ nào, thì xin đất đến đấy để lập nghiệp.
Vua bằng lòng cho, Phụng Hiểu đứng ở trên đỉnh núi, ném vút thanh đao ra ngoài mười dặm, sa xuống cắm vào làng Đa Mỹ, quy vuông tính ra được hơn nghìn mẫu. Tự đấy ruộng thưởng cho công thần gọi là ruộng thác đao (nghĩa là cắm đao) là do sự tích ấy.
Phụng Hiểu cho con cháu đến ở, lập thành một làng, sống đến 73 tuổi mới mất. Dân lập đền thờ ông làm Phúc thần, gọi là Lịch Đại Đế Vương miếu.
ST: Nguyễn Minh Đức
Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét