Lê Chân quê ở An Biên (nay thuộc huyện Đông Triểu tỉnh Quảng Ninh). Cha là Lê Đạo, một người tài đức và có thế lực ở địa phương, được nhân dân khắp vùng kính phục. Biết thái thú Tô Định làm nhiều điều bạo ngược, muôn dân rên xiết trong cảnh nước sôi lửa bỏng, Lê Đạo đau lòng, căm giận quân giặc nước. Hiềm vì tuổi già sức yếu, ông đành dồn hết tâm sức dạy dỗ người con gái yêu và đám học trò có chí khí, những mong họ thay mình cứu dân cứu nước.
Không phụ lòng mong mỏi của cha, Lê Chân càng lớn càng tỏ ra thông minh, có chí khác người. Hai mươi tuổi nàng đã giỏi mưu lược quân cơ và nổi danh tài sắc. Nhiều người đến hỏi nhưng Lê Đạo và nàng đều gạt đi, vì thấy họ đều là người tầm thường, chỉ chăm việc nhà mà quên việc nước.
Tiếng tăm đồn đại về cô gái Lê Chân tài sắc bay đến tai Tô Định. Phần vì hiếu sắc, phần cũng muốn cầu thân mua chuộc người tài giỏi, Tô Định bắn tin cho Lê Đạo ngỏ ý muốn lấy Lê Chân làm vợ. Y sai sứ đem lễ vật đến dạm hỏi, đi lại ba, bốn lần song Lê Đạo và nàng đều một mực từ chối. Trở mặt, Tô Định khép Lê Đạo vào tội làm phản để giết ông rồi cho quân về vây bắt Lê Chân. Nợ nước thù nhà đè nặng trên vai, người con gái họ Lê bèn thu nhặt của cải từ giã quê hương xuống thuyền, xuôi vùng ven biển tới miền huyện An Dương ( nay thuộc thành phố Hải Phòng). Bà đã thấy ngay miền biển này chính là nơi dụng võ được: địa hình hiểm yếu, đường thuỷ liền thông, rất tiện lập một căn cứ chống giặc. Bà bắn tin cho bạn bè, họ hàng nơi quê cũ, gọi họ đến để cùng với dân địa phương khai phá xây dựng quê hương mới.
Sau ba năm, vùng biển hoang vu đã trở thành một trại ấp lớn. Nhớ miền đất cũ, bà đặt tên quê hương mới là Trang An Biên (nay thuộc khu phố Lê Chân, Hải Phòng).
Lê Chân còn mở chợ ven sông, để dân chúng và thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán, trao đổi hàng hoá; nhân đó bà tích trữ lương thực, mua sắm vũ khí chờ dịp trả thù nhà đền nợ nước. Để dân chúng chăm việc quân và cũng là dịp chiêu nạp những người hiền tài, bà mở đài thi võ, mở lò đấu vật. Người các nơi nô nức tìm về hưởng ứng. Cả vùng An Biên thành một thao trường rộng lớn, nghĩa binh đêm ngày luyện tập.
Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Lê Chân lãnh đạo nhân dân địa phương nổi dậy, quét sạch bọn đô hộ nhà Hán, làm chủ cả một vùng ven biển Đông Nam.
Từ miền biển, bà chỉ huy nghĩa binh đánh vào xứ Bắc, sào huyệt của bọn thái thú, thứ sử Châu Giao (Thuận Thành, Bắc Ninh) và tìm đến hội quân dưới cờ của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Nữ tướng Lê Chân đã lập được nhiều công lớn. Khi Trưng Trắc lên làm vua, bà giao cho Lê Chân trọng trách "Trưởng quản binh quyền nội bộ".
Sau đó, để đề phòng quân giặc quay lại, Trưng vương cử bà về vùng biển đông, để phòng giữ mạn biển. Bà bỏ thêm tiền bạc, của cải cấp cho dân nghèo, khuyến khích họ khai hoang lập làng, dựng đồn luỹ phòng ngự.
Năm 42, Mã Viện chia quân làm hai đường thủy bộ ồ ạt kéo vào xâm lược. Lê Chân cùng nhân dân An Biên ngăn sông lấp suối, chặn đánh thuỷ binh hùng mạnh của giặc.
Vì lực lượng quá chênh lệch, sau gần một năm chống trả quyết liệt, quân ta suy yếu dần và tan vỡ. Lê Chân đã tự vẫn theo Hai Bà Trưng, nhưng khí phách trung kiên bất khuất của người liệt nữ ấy còn vang mãi:
"Thù nhà nợ nước hai vai
Một gương liệt nữ muôn đời soi chung"
nguồn: sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét